TTVH Online

Thủ tướng: Có 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga để sản xuất trong nước

Phong Cầm 12/11/2021 10:39 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vắc-xin cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Sáng 12/11, trước khi vào phần trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Thủ tướng cho biết: Sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.

Báo cáo của Thủ tướng: Có 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga để sản xuất trong nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh VGP

"Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vắc-xin cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp", Thủ tướng cho biết.

Báo cáo của Thủ tướng cho biết: Tính đến ngày 11/11/2021, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vắc-xin, tiêm được 96 triệu liều, tỷ lệ trung bình người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 86%, tiêm 2 mũi đạt khoảng 45%. Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vắc-xin, trong đó có vắc-xin cho trẻ em.

Báo cáo của Thủ tướng: Có 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga để sản xuất trong nước - Ảnh 2.

Phiên chất vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước Quốc hội diễn ra cuối giờ sáng 12/11. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Hiện có 2 vắc-xin đang nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất trong nước; 2 vắc-xin chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga; 2 vắc-xin có hợp tác chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cu Ba.

Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết:

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch COVID-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành; đồng thời rà soát, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho những nhóm đối tượng khó khăn nhất.

Về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh:

Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó đặc biệt chú trọng phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thông suốt; khắc phục nhanh những bất cập, vướng mắc; hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, theo người đứng đầu Chính phủ: Dự báo đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước. Đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

"Với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình.

Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là vùng khó khăn. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Nhóm PVTS
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN