Nhiều quan điểm trái chiều đưa ra sau khi có quyết định lùi lịch đi học lại của học sinh lớp 1-6 các quận nội thành vì dịch phức tạp và thời tiết rét đậm dưới 10 độ C.
Ngày 18/2, UBND TP.Hà Nội đã có công văn hỏa tốc về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối 1-6 của 12 quận nội thành. Công văn nêu rõ, theo kế hoạch học sinh sẽ đi học từ 21/2. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng. Cùng với đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh, Sở GDĐT đã trình UBND thành phố cho phép tạm dừng phương án cho học sinh đi học lại cho đến khi có thông báo mới.
Trước quyết định gần ở phút cuối của Sở GDĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh đã có ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh cho biết, nếu không cho học sinh đi học thì phải đợi đến khi nào. Các em đã nghỉ học ở nhà 10 tháng qua và bị ảnh hưởng rất nhiều về sức khỏe cũng như tâm lý. Học sinh cần được đến trường bởi trẻ nhỏ có hệ miễn dịch cao nên không quá lo lắng về dịch bệnh hay thời tiết.
Tuy nhiên, một số phụ huynh bày tỏ vui mừng như trút được gánh nặng trước quyết định lùi lịch học. "Tôi đồng ý việc đi học nhưng thời điểm này chưa phù hợp. Mỗi ngày số ca F0 tăng cao càng làm tăng mối lo ngại cho sức khỏe của con em. Đặc biệt, đầu tuần đúng đợt đón không khí lạnh. Theo dự báo, thời tiết xuống tới 8 độ C. Với nhiệt độ này người lớn ra đường còn không chịu được huống hồ trẻ nhỏ", chị Tô Mai Hồng, phụ huynh có 2 con đang học lớp 1 và lớp 5 ở quận Đống Đa cho hay.
Đồng quan điểm, chị Lê Minh Ngọc, phụ huynh có con đang học lớp 2 quận Thanh Xuân cũng bày tỏ tán thành với quyết định của Sở GDĐT. Từ sau Tết Nguyên đán, chị Ngọc vô cùng lo lắng trước thông tin con đi học lại. "Vừa dịch bệnh, vừa mưa rét mà con phải đến trường đi học thì tôi không yên tâm chút nào. Ngay cả các phụ huynh trong lớp con tôi cũng chưa muốn con đến trường vào thời điểm này", chị Ngọc nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Điệp Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, cho hay: "Các trường cảm thấy đồng thuận và nhất trí trước quyết định lùi lịch đến trường của Sở GDĐT và UBND thành phố. Phụ huynh nhà trường cũng đã lo lắng nếu con đi học vì chưa được tiêm vaccine trong khi dịch bệnh càng ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, từ đầu tuần tới, thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại. Mặc dù học sinh ở trong lớp ấm nhưng học sinh đi học trong thời tiết khắc nghiệt như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao". Theo chia sẻ của cô Điệp Anh, trường có 38 lớp với 1.761 học sinh nhưng theo thống kê, hiện tại có hơn 100 học sinh là F0 và 180 học sinh là F1.
Mặc dù lùi thời gian học nhưng nhà trường vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để đón học sinh đi học lại bất cứ lúc nào. Từ cơ sở vật chất, thiết bị vật tư y tế như khẩu trang, máy đo thân nhiệt, test nhanh, nước khử khuẩn... Trường bố trí giáo viên, thực tập sinh và đội tinh nhuệ đến trường tổng vệ sinh trước ngày đi học và đón học sinh khi các em đi học trở lại.
Cô Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Quyết định lùi lịch học là hợp lý vì có 2 lý do. Thứ nhất là dịch bệnh căng thẳng, phụ huynh không yên tâm khi cho con đi học vào giai đoạn này. Thứ hai, lý do khá quan trọng là thời tiết mấy ngày nay khắc nghiệt. Đối với học sinh tiểu học, nhiệt độ xuống thấp cũng sẽ được nghỉ theo quy định. Vì vậy, khi thời tiết ấm lên, tình hình dịch bệnh ổn hơn thì việc đi học trở lại sẽ phù hợp hơn".
Theo cô Kim Anh, nếu cho học sinh đi học thời điểm này sẽ khiến phụ huynh và nhà trường cũng gặp khó khăn vì thời tiết lạnh, một số học sinh là F0, F1. "UBND Thành phố, Sở GDĐT Hà Nội đã cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Thực tế, một số phụ huynh bày tỏ lo lắng với nhà trường khi có con F0, F1 hay con sức khỏe kém nếu phải đi học trực tiếp. Phụ huynh, học sinh và nhà trường cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này", cô Kim Anh bày tỏ.
Nếu học sinh đi học lại, tùy vào tình hình thực tế Trường Tiểu học Nam Thành Công sẽ có các phương án khác nhau. Trong kế hoạch đi học lại lần này, trường đưa ra 2 phương án: Nếu ít học sinh đi học sẽ cho các em học 1 buổi. Nếu đi học đông thì sẽ chia ca sáng, chiều. Trường hiện có 62 lớp với hơn 2.800 học sinh.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Ngân Bình, hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân cho hay: "Sở đã nêu rất rõ lý do lùi lịch đi học lại của học sinh lớp 1-6 và điều này cũng đúng tâm tư nguyện vọng của nhiều phụ huynh. Nhà trường thấy tạm hoãn cho học sinh đi học vào ngày 21/2 là hợp tình hợp lý".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, phụ huynh đều muốn con đi học nhưng thực tế mọi người cảm thấy chưa yên tâm, chưa muốn con đến trường trong giai đoạn này. Trong đó 2 yếu được nhắc đến nhiều là dịch bệnh và thời tiết.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Thành Nam cũng ghi nhận sự nỗ lực của các ban ngành và đã có thời gian chuẩn bị kỹ càng cho học sinh sớm đến trường. Tuy nhiên, sau quyết định "quay xe" lần này, lần sau cho học sinh đi học sẽ khó khăn hơn và cần có nhiều việc phải làm hơn. Không chỉ là mô hình y tế an toàn mà cần tư vấn giáo dục cho phụ huynh, nhà trường và kích hoạt nhiều hệ thống hỗ trợ hơn nữa".