TTVH Online

Phiên chợ là lạ ở Nghệ An, cả năm chỉ họp 1 đợt, cả chợ chỉ bán một thứ cây

Phong Cầm 11/03/2022 12:38 GMT+7

Khi lúa trên những cánh đồng mới gieo cấy, gạo trữ cũng đã dần vơi cạn, nông dân xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương (Nghệ An) tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày.

Trước khi ăn Tết mấy ngày, nông dân ở xã Thanh Dương và vùng phụ cận xuống đồng cấy lúa cho vụ Đông Xuân. 

Tháng 2 âm lịch hàng năm, thời tiết ở Thanh Chương diễn biến thất thường, không khí lạnh tràn về khiến cho nhiều cánh đồng một số cây lúa bị chết rét. Để dăm lúa lại cho cánh đồng thêm xanh tốt, nhiều người nông dân xã Thanh Dương và vùng phụ cận đi mua bán lúa non.

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 1.

Phiên chợ đặc biệt khi người nông dân đi bán lúa non khiến ai cũng bất ngờ, nhưng với người nông dân xã Thanh Dương đây là điều binh thường. Ảnh: Cảnh Thắng

Phiên chợ này dù rất kén khách hàng nhưng rất đặc biệt vì người bán thì cần tiền đong chợ hàng ngày, còn người mua thì mong muốn dăm lại cho ruộng nhà mình những cây lúa đã chết để hi vọng một vụ mùa bội thu.

Phiên chợ bán lúa non được hình thành từ khi nào, người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương, Nghệ An) và vùng phụ cận cũng không nhớ nữa. Họ chỉ nhớ đến phiên chợ này khi một số người thừa lúa non đem đi bán cho những người đã gieo trồng vụ Đông Xuân rồi nhưng một số cây lúa bị chết do gió rét.

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 2.

Người dân đi qua chợ bán lúa noi, dừng xe mua về để dăm lúa cho ruộng nhà mình. Ảnh: Cảnh Thắng

Đây là phiên chợ có một không hai bởi người bán người mua đều rất phấn khởi. Đặc biệt hơn nữa là không ai có thể hình dung "món hàng" nay, người nông dân nơi đây có thể mang ra chợ để bán. Nhưng ở vùng đất Thanh Dương này, xem đó là chuyện bình thường như đi bán lúa, bán gạo, quan trọng hơn cả là người bán có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống trong mùa giáp hạt.

Phiên chợ bán lúa non này được người dân họp ngay trên đường gần trung tâm xã Thanh Dương. Người bán bày "hàng" lấy ra từ trong các bao tải rồi đặt bên đường, người dân qua lại, ai có nhu cầu thì ghé vào lựa chọn giống lúa, "thuận mua vừa bán" là cười vui vẻ và còn chúc nhau một vụ mùa bội thu.

Giá của mỗi bó lúa non được người nông dân bán từ 10.000 -15.000 đồng/bó; người dân bó lúa bằng sợi rơm khô, ai mua nhiều thì bán nhiều, mua ít thì bán ít; khiến phiên chợ đặc biệt này trở nên tấp nập lạ thường.

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 3.

12 bó lúa non của bà Nguyễn Thị Thảo (xóm Dương Nam, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương) được bán hết trong chốc lát. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mai, trú tại xóm Thanh Yên, xã Thanh Dương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đang cố gắng lựa bó mạ to, cây cứng cáp, khỏe mạnh. 

"Ruộng nhà tôi bị ốc bươu vàng cắn ngang gốc, lại gặp phải đợt giá lạnh vừa qua khiến ruộng lúa nhà tôi chết nhiều lắm, nên phải đi chợ phiên này mua lúa non về để dăm thêm. Mỗi bó này giá 10.000 – 15.000 đồng tùy giống lúa"

Theo quan sát của phóng viên, có nhà mua có một bó, nhưng có nhà mua tới tận 10 bó lúa non vì phần ruộng lúa sau tết bị chết do giá rét, phần bị ốc bươu vàng, chuột tàn phá.

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 4.

Phiên chợ đặc biệt và những khách hàng đặc biệt. Ảnh: Cảnh Thắng

Để có được lúa non đi bán là cả một công sức, những người đi bán "mặt hàng" đặc biệt này là do thời điểm cấy lúa trong ruộng quá dày nên phải đi tỉa bớt, nhằm cho cây lúa phát triển tốt. Lúc tỉa xong, tiếc vì công sức bỏ ra, người nông dân lại bó thành từng bó đi bán cho những hộ gia đình cần. 

"Năm nay vừa mới ăn Tết xong ra thăm ruộng lúa, nhưng cây lúa chết nhiều quá, phần vì sâu bệnh, ốc bươu vàng phá hoại, phần vì đợt rét đậm, rét hại vừa qua khiến gia đình tôi phải mua gần 10 bó lúa non để về dăm lại trên ruồng nhà mình", bà Nguyên Lam Hoàng, xóm Dương Trung, xã Thanh Dương cho hay.

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Mai, trú tại xóm Thanh Yên, xã Thanh Dương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) hỏi mua lúa non về dăm tại ruộng nhà mình. Ảnh: Cảnh Thắng

Lúc chúng tôi có mặt tại phiên chợ này, bà Nguyễn Thị Thảo (xóm Dương Nam, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương) đánh xe máy, "kẹp" theo một bao tải, trút những bó mạ ra đường, xếp gọn gàng để "chào hàng". 12 bó lúa non giống lúa Phú Ưu bà vừa tỉa ngoài ruộng, mang ra bán với giá 15.000 đồng/bó. Vài người khách vừa thấy giống lúa Phú Ưu cũng giống với lúa nơi ruộng mình thì tới chọn. Chỉ gần 10 phút sau, 12 bó lúa non của bà Thảo hết trong chốc lát.

Cầm tiền bán lúa non trong tay, bà Thảo cười nói: "Thế là ngày nay tôi có thể mua thêm thức ăn cho cháu tôi rồi, mua cho ông nhà mấy bó chè xanh om mời hàng xóm uống cho vui mồm".

Nghệ An: Phiên chợ đặc biệt của những người nông dân, tỉa lúa non đi bán kiếm tiền đong chợ hàng ngày   - Ảnh 6.

Người bán, người mua mặt hàng đặc biệt nay ai cũng vui mừng và họ còn chúc nhau có được một vụ mùa bội thu. Ảnh: Cảnh Thắng

"Đi làm đồng tranh thủ tỉa những vùng lúa gieo quá dày, bó lại thành từng bó đem đi bán cũng là công việc kiếm tiền đong chợ hàng ngày. Ngày hôm qua tôi mua con cá về bồi bổ sức khỏe cho ông nhà, cả nhà vui lắm khi tỉa lúa non đi bán ruộng lúa nhà tôi xanh và đẹp lắm", bà Thảo cho hay.

Tại phiên chợ lúa non này, ngoài giống lúa Phú Ưu, người dân còn bán nhiều giống lúa khác như lúa Bắc Thịnh, lúa Thái Xuyên..., mỗi giống lúa đều có mức giá khác nhau, nhưng tất cả đều vui vẻ và mong muốn một vụ mùa bội thu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thoa - Phó chủ tịch xã Thanh Dương cho biết: "Đây không phải là chợ mà người dân tự tổ chức mua bán ngay bên đường vào chợ Cồn. Họ không phải đi bán lúa non vì họ thiếu tiền, hay nghèo khó mà người thừa lúa thì bán cho những hộ có cây lúa trên đồng bị chết do rét, do sâu bệnh để những hộ gia đình nay về dăm lại. Đây là việc mua bán bình thường như những mặt hàng cần thiết khác thôi. Thời gian quá giá rết nên lúa chết nhiều, nên người dân mua để về dăm lại cho ruộng thêm xanh."


Cảnh Thắng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN