Sau 25 năm đổi mới (1997-2022), ngành nông nghiệp Bình Dương đang sở hữu tổng số trang trại nông nghiệp nhiều thứ 2 Đông Nam Bộ, thứ 5 cả nước. Năng lực chăn nuôi công nghệ cao được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước.
Tại hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng", tổ chức ngày 19/4, Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Giai đoạn 1997 – 2001, giá trị sản xuất nông nghiệp Bình Dương liên tục tăng với tốc độ bình quân 7,6%/năm.
Khi thành lập tỉnh Bình Dương năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng; tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ 22,8%.
Đến năm 2001, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt 1.254 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
Tính đến nay, các chỉ tiêu của nông nghiệp Bình Dương đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định bình quân 2,74%/năm.
Đến cuối năm 2021, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh chỉ còn 3,1%.
Ông Nguyễn Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, tuy giảm về tỷ trọng nhưng giá trị sản của nông nghiệp Bình Dương xuất tăng gấp 14,2 lần so với năm 1997.
Theo ông Bông, 25 năm qua, ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
"Đến nay, nông nghiệp Bình Dương đã đạt được nhiều bước tiến lớn. Thậm chí, nhiều lĩnh vực còn được đánh giá là đi đầu cả nước", ông Bông nhấn mạnh.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cây lâu năm và chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh trong ngành nông nghiệp Bình Dương.
Tổng số trang trại nông nghiệp Bình Dương đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và thứ 5 cả nước.
Diện tích trồng cao su và sản lượng mủ khô xếp thứ 2, số lượng đàn heo xếp thứ 8, số lượng đàn gia cầm xếp thứ 12 toàn quốc với 912.000 con.
Trong đó, ngành chăn nuôi, vốn là trọng tâm của nông nghiệp Bình Dương, là ngành phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi ở Bình Dương đi đầu trong thúc đẩy hàm lượng công nghệ, với 90% tổng đàn được chăn nuôi theo quy mô trạng trại.
70% tổng đàn heo, gia cầm áp dụng phương thức nuôi trại kín, trại lạnh. Nhiều công ty, trang trại, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chăn nuôi.
Trên lĩnh vực phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2018 Bình Dương có 49/49 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước kế hoạch 1 năm. Bình Dương tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Dương cũng giảm mạnh. Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo (0,95%) và 3.031 hộ cận nghèo (1,05%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh.
Năm 2021 đạt 71 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 41,76 triệu đồng/năm.
Theo ông Bông, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh của tỉnh đã đẩy chi phí các nguồn lực nông nghiệp gia tăng nhanh chóng, nhất là chi phí nhân công, chi phí đất đai luôn giữ ở mức cao.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều nông hộ có đất bỏ vụ canh tác, gây lãng phí tài nguyên, hoặc chờ cơ hội chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Vì thế nhiều diện tích không được đầu tư bài bản, đúng mức về vốn và sức lao động, kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp.
Việc thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông sản cũng là một hạn chế trong xây dựng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, sau 25 năm, cơ cấu kinh tế Bình Dương chuyển biến mạnh. Tỉ trọng ngành nông nghiệp Bình Dương chỉ còn khoảng 3,1%, nhưng giá trị sản xuất không hề nhỏ.
Bình Dương luôn chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người nông dân.
Bình Dương vẫn mong muốn được chào đón các doanh nghiệp tìm đến, để cùng xây dựng hướng đi chuyên nghiệp hơn, tạo ra chuỗi cung cấp sản phẩm hiệu quả.
"Trong giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương tiếp tục vận dụng sáng tạo hơn nữa Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gắn liền với định hướng mới của Đề án thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương", ông Dũng chia sẻ.