Bình Dương đón làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0: Tầm nhìn đổi mới sáng tạo

Văn Dũng Thứ ba, ngày 19/04/2022 15:00 PM (GMT+7)
Bình Dương xác định, không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên một tầm cao mới, đón làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bình luận 0

Tầm nhìn đổi mới sáng tạo

Ngày 19/4, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng".

Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Bình Dương là một tỉnh có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, nhưng khi bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một tâm thế quyết liệt, mạnh mẽ, rồi từng bước trở thành vùng công nghiệp lớn của Việt Nam. 

Năm 2015, trước xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với nhiều thách thức, cơ hội mới, trong khi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp gia công đã đến điểm giới hạn, tỉnh Bình Dương quyết định đột phá xây dựng nền tảng phát triển mới cho giai đoạn 2016 - 2020, nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" được công bố vào tháng 3/2016. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khác với cách tiếp cận thông thường chỉ chú trọng ứng dụng công nghệ vào đô thị, Bình Dương thực hiện đột phá toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ, tập trung nâng cao hàm lượng tri thức, sáng tạo trong đời sống và kinh tế. 

Với cách tiếp cận này, "Thành phố thông minh Bình Dương" như một hệ sinh thái năng động sáng tạo, trong đó mọi thành tố không ngừng được cải tiến, đổi mới, tối ưu hóa; đáng chú ý nữa là, quá trình triển khai tỉnh Bình Dương vận dụng mô hình "ba nhà" (Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà trường) để chuyển mình nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. 

Bình Dương chủ động đột phá, đưa tỉnh lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Bình Dương đã xây dựng Trung tâm thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương. Ảnh: V.D

Tiếp tục phát huy thế và lực mới, năm 2018, tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ thế giới (WTA) và thành phố Daejeon (Hàn Quốc) để đăng cai tổ chức Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo toàn cầu; liên tiếp hai năm (2018 - 2019), tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis Asia) và Tổ chức tầm nhìn toàn cầu (Horasis). 

Qua đó, vị thế của tỉnh Bình Dương được nâng tầm trên trường quốc tế, tạo thuận lợi trong việc mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác đầu tư, thương mại, điện tử. 

Cũng theo ông Minh, từ các diễn đàn, Bình Dương đã tìm được nhiều giải pháp quan trọng mang tính đón đầu xu thế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế ngày càng năng động để hội nhập quốc tế sâu rộng, hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh. 

Trong năm 2019, tổ hợp dự án Trung tâm thương mại thành phố mới Bình Dương đã đạt được các tiêu chí để gia nhập Hiệp hội trung tâm thương mại thế giới, là dấu ấn chiến lược, cơ sở để tỉnh Bình Dương đột phá trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại quốc tế. 

Bình Dương chủ động đột phá, đưa tỉnh lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Mô hình Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. Ảnh: V.D

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, tỉnh luôn xác định việc hình thành một thành phố thông minh sẽ mang lại nhiều tiện ích, an toàn trước những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là xu hướng, mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với các đô thị trong tương lai. 

Chính vì thế, năm 2020, Bình Dương tiến hành xây dựng "Thành phố thông minh Bình Dương" với chủ đề "Triển khai nền tảng thông minh để đột phá sang thời kỳ mới 4.0"; đồng thời, vận hành hiệu quả mô hình hợp tác "ba nhà" và tích cực tham gia hợp tác với các tổ chức quốc tế, thành phố thông minh, đô thị đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ trên thế giới. 

Trong 2 năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp và sự tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19, một mặt, tỉnh Bình Dương huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch; mặt khác, vẫn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ để xây dựng thành phố thông minh. 

Với tầm nhìn đột phá và nhiều kết quả nổi bật đã đạt được, tỉnh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), ba năm liên tiếp (2019 - 2021) được ICF vinh danh trong tốp 21, đặc biệt là năm 2021 trong tốp 7 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. 

Điều này khẳng định phát triển "Thành phố thông minh Bình Dương" là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao bởi những bước phát triển vững chắc của tỉnh trong thời gian qua. 

Bình Dương thúc đẩy hoạt động chuyển động số

Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng với sự thay đổi bởi đại dịch Covid-19, Bình Dương tiếp tục chủ động đột phá mạnh mẽ và cụ thể hơn, đó là sự ra đời dự án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương".

"Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" phát triển dựa trên quy hoạch tích hợp, bao gồm chiến lược phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối với TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, qua đó kích thích sự đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, công ty công nghệ... tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. 

Bình Dương chủ động đột phá, đưa tỉnh lên tầm cao mới - Ảnh 4.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương sẽ là “công cụ đắc lực” giúp đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Ảnh: V.D

Cùng với đó, hoạt động chuyển đổi số được thúc đẩy với việc hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử cấp tỉnh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong sản xuất với các nhà máy thông minh; nâng cấp nền sản xuất hiện tại để tạo ra các công cụ sản xuất mới, phát triển đồng đều trên tất cả các mặt, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.

Chính tầm nhìn đó, đã giúp cho tỉnh Bình Dương vượt lên tốp 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu do Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) bình chọn.

Những năm qua, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ thông qua các chiến lược đột phá, đón đầu xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương liên tiếp vượt các chỉ tiêu, đặc biệt có những tiêu chí tăng trưởng mạnh mẽ như hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu,... 

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng mạnh, tính từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2020 đã tăng 2,5 lần, từ trên 20.000 lên gần 50.000 doanh nghiệp; nhiều năm liên tục, tỉnh Bình Dương thuộc tốp đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực: đứng thứ nhất về cơ sở hạ tầng, đứng thứ 3 về thu hút đầu tư nước ngoài, đứng thứ 3 về sản xuất nội địa,... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem