Cách đây không lâu, Inna là một thợ làm tóc. Giờ đây, ông mất cả ngày chạy khắp nơi tìm kiếm thức ăn và nước uống khi phải vật lộn đấu tranh để tồn tại và sống sót qua ngày giữa lúc thành phố Mariupol của ông chìm trong chiến sự ác liệt hơn 2 tháng qua.
“Bạn phải chạy đi tìm điểm phân phối nước. Sau đó, đến nơi họ đang phát bánh mì. Sau đó, bạn xếp hàng để lấy khẩu phần ăn. Bạn chạy cả ngày”, người đàn ông 50 tuổi, tay cầm hai lon nước rỗng chia sẻ.
Sau cuộc bao vây kéo dài nhiều tuần, Nga và các lực lượng ly khai thân Moscow đã kiểm soát gần như hoàn toàn Mariupol ở đông nam Ukraine vào giữa tháng 4.
Các nhà báo của AFP giờ đây nhìn thấy thành phốphần lớn đã yên ắng trong một chuyến tham quan báo chí gần đây do các lực lượng Nga tổ chức. Chỉ có một vài tiếng nổ ầm ĩ đến từ hướng nhà máy thép Azovstal, nơi lực lượng Ukraine đang cố thủ.
Sau nhiều tuần sống trong các hầm trú ẩn dưới lòng đất hoặc đóng cửa ở nhà, người dân Mariupol giờ đây đang phải ra ngoài tìm kiếm thức ăn, nước uống. Thành phố cảng sôi động một thời của họ nay đã trở thành một đống đổ nát hoang tàn.
Ở một quận phía đông, không một khu chung cư nào từ thời Liên Xô nằm dọc các con phố còn nguyên vẹn. Mặt tiền của các tòa nhà bị cháy xém và bị xé toạc do pháo kích. Một số tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn.
"Chúng tôi không sống, chúng tôi tồn tại"
Không có nước sinh hoạt, không có điện, không có gas, không có mạng di động và không có internet - cuộc sống hàng ngày của người dân Mariupol hiện bị chi phối bởi việc săn lùng những thứ cơ bản nhất hàng ngày.
Vào ngày nhóm phóng viên AFP có mặt tại thành phố, chính quyền ly khai đã tổ chức phân phát viện trợ trước những bức tường đầy lỗ thủng và cửa sổ vỡ của một trường học địa phương.
Khoảng 200 người tập trung phía sau một chiếc xe tải quân sự khi các tình nguyện viên phát các gói thực phẩm - mì ống, dầu và một số thực phẩm khác - được đánh dấu bằng chữ cái “Z”. Cách đó không xa, hai chiếc xe bồn phát nước uống.
“Chúng tôi không sống, chúng tôi tồn tại”, Irina, một nhà thiết kế trò chơi điện tử 30 tuổi chia sẻ.
"Tôi muốn đi, nhưng đi đâu"?
Nhiều cư dân của thành phố Mariupol - nơi sinh sống của khoảng 450.000 người trước khi xảy ra xung đột - đã bỏ chạy khi các lực lượng Nga tiến lên.
Không rõ còn lại bao nhiêu người mắc kẹt bên trong thành phố nhưng những người bị bỏ lại giờ đây không còn hy vọng có thể sơ tán.
"Tôi muốn đi, nhưng đi đâu?" Kristina Burdiuk, một dược sĩ 25 tuổi - đang về nhà với hai cô gái trẻ khác, mỗi cô ôm một ổ bánh mì lớn trước ngực - đặt câu hỏi.
Burdiuk cho biết, cô đã nhìn thấy những chiếc ô tô chở các gia đình bị bắn thủng khi họ cố gắng thoát khỏi thành phố. Cô không biết ai đã bắn họ.
Vì vậy, cô chọn ở lại Mariupol, với chồng, mẹ và bà của cô. Cô dự định nhận lời làm việc cho chính quyền mới, dọn dẹp đống đổ nát, giúp rà phá bom mìn - mức lương hiện được trả bằng đồng rúp Nga.
“Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì", cô nói.
Irina, nhà thiết kế trò chơi điện tử cho biết, cô không thể làm việc nếu không có mạng internet hoặc đường dây điện thoại và - tệ hơn nhiều - không thể liên lạc với những người thân yêu của cô bên ngoài thành phố.
Trong quá trình phân phát viện trợ, một phụ nữ khoảng 60 tuổi bắt đầu chất vấn một quan chức và ngay sau đó một nhóm người cũng quây quanh ông này.
“Khi nào chúng tôi sẽ nhận được lương hưu? Khi nào các trường học sẽ mở cửa trở lại? Còn các cửa hàng thì sao?", mọi người dồn dập hỏi.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức,” vị quan chức mặc quân phục rằn ri và đội mũ quân đội nói. "Ưu tiên là đảm bảo an ninh và dọn sạch thành phố".
Bất chấp sự hiện diện của một số binh sĩ có vũ trang, một thanh niên tức giận: “Chúng tôi đã hỏi những câu hỏi cụ thể, hãy cho chúng tôi câu trả lời cụ thể!”. Nhưng đáp lại là sự im lặng.
Khi chuẩn bị về nhà từ điểm phân phát viện trợ thức ăn và nước uống, Irina muốn tin rằng "điều tồi tệ nhất đã qua".
Cô hy vọng mình có thể “sống sót được vài tuần, vài tháng nữa, cho đến khi tình hình trở nên tốt hơn”.