TTVH Online

Xuất khẩu gặp khó: Lực đỡ từ Samsung, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây"

Phong Cầm 01/09/2022 08:31 GMT+7

Xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ được dự báo chững lại từ tháng 9, sẽ khiến xuất khẩu thủy sản "vạ lây". Các doanh nghiệp thủy sản trông chờ vào thị trường Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước tính đạt 33,38 tỷ USD, tăng 22,86% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 13,03%.

Như vậy, cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 2,42 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu ở mức 3,96 tỷ USD.

Xuất khẩu gặp khó: Lực đỡ từ Samsung, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây" - Ảnh 1.

Nguồn: BVSC

Xuất khẩu khó khăn hơn

The đánh giá của các chuyên gia, mức nền thấp trong cùng kỳ năm 2021 – khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất thực hiện 3 tại chỗ do làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng mạnh trong tháng 8 vừa qua.

Thêm vào đó, việc Samsung ra mắt sản phẩm mới trong tháng 8 cũng là yếu tố giúp cho xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện – mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất, ghi nhận tăng trưởng trên 20% so với tháng trước, và giúp cho giá trị xuất khẩu giảm tăng trưởng trở lại theo tháng.

Xuất khẩu gặp khó: Lực đỡ từ Samsung, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây" - Ảnh 2.

Samsung ra mắt sản phẩm mới trong tháng 8 cũng là yếu tố giúp cho xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện – mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất. (Nguồn: BVSC)

Dù có những tín hiệu tích cực trong bức tranh xuất khẩu tháng 8, song bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo vừa phát hành vẫn cho rằng, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn – Mỹ và EU đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm trong quý II/2022. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Mới đây, nhiều chuyên gia và các tổ chức phân tích cũng cảnh báo tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt.

"Nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên vẫn có khả năng sẽ giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên", chuyên gia SSI thông tin.

Xuất khẩu gặp khó: Lực đỡ từ Samsung, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây" - Ảnh 3.

Xuất khẩu gặp khó trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây". (Ảnh: DV)

Có cái nhìn lạc quan hơn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định mặc dù kinh tế Mỹ đã có 2 quý suy giảm liên tiếp, kinh tế và tổng cầu thế giới suy giảm, điều này có tác động nhưng không nhiều tới thương mại quốc tế của Việt Nam.

Ông Lâm phân tích, đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, như hàng dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Ở các nước khi suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này.

Thêm nữa, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với chi tiêu của các nước trên thế giới không lớn nên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.

Trung Quốc có thể là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản cuối năm?

Về các mặt hàng, nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu cả nước (89%). Giá trị xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng trong nhóm này đều ghi nhận tăng trưởng.

Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép có diễn biến giảm mạnh do tiêu thụ thép tại Trung Quốc chậm lại.

Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm giảm 93,34% so với cùng kỳ, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc của mặt hàng này cũng giảm mạnh từ 14,13% trong năm 2021 xuống còn 0,91% (lũy kế 6 tháng 2022).

Ngược lại, giá trị xuất khẩu các sản phẩm máy móc và điện tử vẫn đang duy trì đà tăng. Việc Samsung ra mắt sản phẩm mới trong tháng 8 này cũng giúp cho nhóm sản phẩm này có diễn biến tích cực.

Xuất khẩu gặp khó: Lực đỡ từ Samsung, doanh nghiệp thủy sản "vạ lây" - Ảnh 4.

Nguồn: BVSC

Đối với thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm so với tháng trước, nhưng ghi nhận tăng trưởng mạnh trở lại so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp trong quý III/2021.

Trong tháng 9 tới đây, giá trị xuất khẩu thủy sản có thể sẽ duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên, tăng trưởng theo tháng nhiều khả năng vẫn ở mức âm.

Đáng chú ý, theo nhiều dự báo, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ chững lại, tồn kho cao khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn cuối năm 2022. Các doanh nghiệp thủy sản chỉ có thể trông chờ vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tôm niêm yết lớn (như Minh Phú, Sao Ta) không xuất khẩu sang thị trường này, thay vào đó là các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Điều này sẽ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tôm có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu từ các thị trường chính giảm.

Huyền Anh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN