Thực hiện tốt công tác phòng, chống bão, cá vượt lũ trên địa bàn huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) “đi qua” được bão lũ…
Khi đài phát thanh của địa phương liên tục phát thông báo về dự báo cơn bão số 6, cũng là lúc người dân xã Vinh Xuân khẩn trương các biện pháp phòng, chống bão. Nhất là những hộ nuôi trồng thủy sản, hiện đang nuôi cá vượt lũ trong các hồ cao triều.
Cán bộ xã Vinh Xuân và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến tận hồ nuôi kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn cho cá tôm trước dự báo bão số 6
Ngày 19/10, mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Nước dâng lên rất nhanh khiến con đường bê tông giữa những cánh đồng ngập sâu.
Ông Huỳnh Văn Cường, cán bộ địa chính nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hạo, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vinh Xuân và ông Đoàn Thao, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Vang vội vã đến thôn Xuân Thiên Hạ, một trong những khu vực có diện tích hồ cao triều nuôi cá vượt lũ, để kiểm tra, đôn đốc bà con gia cố bờ đê, giăng chắn lưới.
Sau những cánh ruộng nước dâng cao là khu vực hồ cao triều của gia đình ông Trần Huy. 8 hồ nuôi được bảo vệ bởi bờ đê cao đắp bằng đất. Những bao cát đắp xung quanh để gia cố thêm độ an toàn, không bị xói lở.
Đang kiểm tra thức ăn cho cá, đồng thời gia cố lại lưới chắn, bao xung quanh hồ, người nhà ông Huy cho biết, “hàng rào” bao cát này là gia đình gia cố trước cơn bão số 5 vừa qua. Lưới chắn cũng mới được gia cố thêm, nên bão số 5, dù bị ngập nhưng tôm cá trong hồ không bị thiệt hại.
Cá tôm vượt lũ trong 8 hồ nuôi đã được 2-3 tháng tuổi, nếu phát triển tốt, xuất bán đúng dịp tết, có thể thu lãi ròng tầm hơn 800 triệu đồng. Để phòng bão số 6, gia đình ông Huy tiếp tục gia cố lưới chắn, bảo vệ tôm, cá.
Lội một vòng quanh thôn, mới thấy sự khẩn trương gia cố lưới chắn, trước dự báo mưa bão của những hộ đang nuôi cá vượt lũ. Theo ông Võ Vĩnh Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân: Trong tổng diện tích 109ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã, có 66ha hồ cao triều.
Đối với diện tích các hồ hạ triều, người dân đã thu hoạch hầu hết theo như lịch thời vụ (trước 30/8). Đối với diện tích hồ cao triều, địa phương khuyến cáo các hộ thu hoạch đúng lịch thời vụ (trước 30/9). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm đã tích lũy được, các hộ nuôi tiếp tục nuôi cá kình, cá dìa vượt lũ trên tổng diện tích khoảng 37ha cao triều.
Đây là các loại cá giá trị kinh tế cao, để xuất bán (khoảng 60 tấn cá) phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, tăng thu nhập.
Trước thực tế đó, khi có dự báo bão lũ, áp thấp nhiệt đới, UBND xã thông báo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc người dân gia cố đập, giăng chắn lưới. Cơn bão số 5 vừa qua do công tác phòng, chống tốt, nên dù bị ngập, cũng không thiệt hại về tôm cá.
Có những hộ đã đầu tư xây bờ đê kiên cố, điển hình như hộ ông Lê Văn Thuất, có 30 hồ cao triều/40 hồ nuôi thủy sản. Sản xuất quanh năm, thu nhập ổn định với khoảng 1 tỷ đồng lãi ròng/năm. Tương tự, hộ anh Hoàng Từ và một số hộ khác trên địa bàn cũng đạt được lãi ròng trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Từ lúc có dự báo về bão số 6, chị Dương Thị Pha, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Vinh Thanh cũng “tăng tốc” về địa bàn, cùng các chủ đồng nuôi, các chi hội trưởng chi hội nghề cá trên địa bàn kiểm tra, đôn đốc công tác gia cố bờ đê, chắn lưới của các hộ nuôi cá vượt lũ.
Vinh Thanh có 42,7ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 38ha là hồ cao triều sản xuất quanh năm. Trong cơn bão số 5, có 20ha bị ngập nhưng không thiệt hại về tôm cá. Có được kết quả đó, là do công tác phòng, chống bão lũ, gia cố bờ đê, chắn lưới được các hộ nuôi thực hiện tốt. Chính quyền địa phương khuyến cáo không nên thả nuôi trái vụ vì nguy cơ thiệt hại do mưa lũ.
Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi chia sẻ, họ khắc phục sự bất lợi của thời tiết bằng sự đầu tư vào đắp bờ, chắn lưới chắc chắn. Cùng với sự đôn đốc của chính quyền, các hộ nuôi đề cao chủ động trong việc phòng, chống bão lũ, bảo vệ tài sản, đưa cá tôm “đi qua” những mùa vượt lũ an toàn.
Hộ ông Nguyễn Công Tin có 4 hồ nuôi với tổng diện tích gần 28 nghìn m2; hộ ông Dương Chí Tuấn cũng làm chủ 4 hồ nuôi với diện tích gần 16 nghìn m2. Đây là những hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản, với lãi ròng trên dưới 1 tỷ đồng/năm, trong đó phân nửa thu nhập là từ cá vượt lũ.
Các hộ nuôi ở Vinh Thanh cho biết, họ nuôi cá vượt lũ bao gồm cả cá thương phẩm và ươm nuôi cá giống (cá dìa, cá kình) cho vụ sau. Đến vụ đầu năm sau, họ chủ động đủ cá giống để thả nuôi tiếp.
Toàn huyện Phú Vang có tổng diện tích thả nuôi cá nước lợ gần 2.300ha. Trong cơn bão số 5 vừa qua, hầu như không có thiệt hại về tôm, cá.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Vang: Diện tích nuôi hạ triều đã được thu hoạch đúng mùa vụ, nên bão lũ không ảnh hưởng.
Tỉnh, huyện đều có văn bản hướng dẫn rà soát để khuyến cáo người dân không nuôi cá vượt lũ để tránh thiệt hại. Tuy nhiên trước thực tế một số bộ phận hộ nuôi trồng thủy sản “theo” cá vượt lũ, Phòng NN&PTNT, chính quyền địa phương hướng dẫn các biện pháp xử lý giảm độ ngọt hóa, các biện pháp kỹ thuật để giảm thiệt hại, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, khuyến cáo người dân tăng cường công tác phòng, chống thiên tai để đảm bảo tài sản, tôm cá khi mưa, lũ; đôn đốc người dân tiếp tục gia cố đê bao, chắn lưới. Nếu thời tiết không thuận lợi, sẽ vận động bà con thu hoạch sớm để đảm bảo kinh tế.