Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết trong tuần này sẽ công bố phương án thi vào lớp 10. Thời điểm hiện tại, phụ huynh và nhà trường vẫn đang trong tâm trạng... "sốt xình xịch".
Có con học lớp 9 mong muốn được bỏ môn thi thứ 4, một phụ huynh chia sẻ: "Con gái em mới 15 tuổi mà đã phải vào viện điều trị viêm loét dạ dày mấy lần do học căng thẳng. Đêm nào con cũng học tới 1h sáng, mẹ cũng thức cùng con luôn. Vì con luôn lo lắng, nếu con không học thì sẽ không thể thi vào lớp 10 công lập.
Nếu học ngoài công lập thì cũng rất nhiều trường nhưng học phí cao. Con thương bố mẹ vất vả chi tiêu tốn kém. Vậy là cả mẹ của con cũng lại bị tái xung huyết dạ dày".
Một phụ huynh có con 2k6, đã trải qua kỳ thi vào lớp 10 kể lại: "Con mà ở ngưỡng "làng nhàng" như con nhà mình thì lo thực sự. Con thi mẹ cứ phải rón rén chiều chuộng hết mức. Lo cũng không nói ra vì sợ con áp lực, làm hồ sơ chống cháy thì phải giấu con. Chỉ động viên con cứ cố gắng hết sức, đỗ chuyên, đỗ công lập thì tốt, đúng nguyện vọng thì càng tốt, không được cũng không sao cả. Con đã cố gắng rồi còn lại bố mẹ lo hết.
Bạn con tôi là con gái còn áp lực đến nỗi phải khám tâm lý và có chuyên gia tâm lý nói chuyện tốn bao nhiêu tiền. Con áp lực cả với bạn vì bạn nói "Mày mà đòi thi chuyên á?". Con không ăn uống gì... Rất may cuối cùng con vượt qua được tâm lý và gia đình quyết định cho con học trường tư thục".
Chị Nguyễn Phương Hà (quận Cầu Giấy) cũng sốt xình xịch khi có con năm nay vào lớp 10. Tuy nhiên, chị suy xét vì kỹ thì thi 4 môn cũng có lợi, là môn gỡ điểm cho những em học kém 1 trong 3 môn cố định Toán - Văn - Anh. Chị Hà bày tỏ: "Nếu quyết định môn thi thứ 4 thì Sở nên công bố sớm để các con yên tâm học tập. Và nếu thi thì nên vào môn GDCD hoặc Lịch sử, không nên chia theo tổ hợp tự nhiên/xã hội vì có sự chênh lệch bài thi".
Theo bà Đỗ Thị Hiền, Hệu trưởng Trường THCS Khương Đình, để sẵn sàng cho việc có thể thi bất cứ môn nào, học sinh được yêu cầu học đều, nắm vững kiến thức tất cả các môn. "Tuy nhiên, không nên thi môn thứ 4 nữa nhằm giảm áp lực cho các em. Lí do là nhà trường sẽ đảm bảo chất lượng dạy học tất cả các môn. Phía học sinh khi lên lớp 10, các em lựa chọn tổ hợp theo hướng nghề nghiệp theo năng lực nổi trội và định hướng từ THCS nên không cần thiết học đều tất cả các môn từ lớp 9 nữa", bà Hiền nói.
Hiệu trưởng các trường THCS mong muốn Hà Nội sớm công bố bài thi môn thứ 4 để học sinh và nhà trường có định hướng ôn luyện. Nếu bỏ được bài thi thứ 4 sẽ giảm áp lực cho các em rất nhiều.
Theo thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống Hocmai, có 2 điều cần bàn đến ở đây là áp lực và đổi mới. Về áp lực từ phía khách quan, kỳ thi vào 10 áp lực hơn vào đại học rất nhiều bởi bây giờ vào đại học không khó, khó vào trường nào. Vào đại học có nhiều phương thức, không được thì thi lại, nhưng vào 10 khác, các em chỉ có 4 lựa chọn: công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và lẽ dĩ nhiên với phần lớn là mong muốn công lập. Ở các thành phố lớn như Hà Nội thì chỉ tiêu cho công lập khoảng 60% mỗi năm, áp lực là rất lớn.
Bên cạnh đó là hệ thống chuyên của Sở, chuyên của 3 đại học: Sư phạm, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn. Mỗi kỳ thi chuyên lại ngày thi, cấu trúc đề thi khác nhau. Đây thực ra không phải lý do áp lực, vì phụ huynh và học sinh có quyền lựa chọn thi hay không nhưng đôi khi phụ huynh vẫn muốn con thử sức.
Về áp lực chủ quan, phần lớn lại đến từ kỳ vọng của chính phụ huynh. Nó luôn rất lớn kể cả có thi môn thứ 4 hay không, vì còn thời gian trống là nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con học thêm đủ các thể loại lớp. Một môn có khi mấy thầy. Rất nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội vất vả thực sự, học đến 12 giờ đêm là chuyện bình thường. Dẫu biết phụ huynh ai cũng muốn làm tất cả vì tương lai con mình, áp lực là cần thiết, nhưng xin hãy đồng hành, hiểu con và tôn trọng nhiều hơn, đồng thời giảm gây áp lực lên hệ thống giáo dục.
Về câu chuyện đổi mới kỳ thi, kỳ thi vào 10 hiện nay ở hầu hết các tỉnh thành đang diễn ra với 3 môn Toán, Văn, Anh nhưng hiện nay đã có sự bất cập nhất định:
Thứ nhất, học sinh đang học thuộc chương trình cũ, ngay từ lớp 8 đã ôn thi 3 môn và hầu hết bỏ qua những môn học khác, trong khi lên lớp 10 các em phải chọn môn. Lớp 8-9 là giai đoạn quan trọng trong việc trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tiền đề cho cấp 3 gần như các em dành thời gian cho luyện thi, các môn học khác biến thành "môn phụ". Phải nói thật, rất nhiều học sinh lên cấp 3 mất gốc các môn tự nhiên, xã hội ở cấp 2, không được trải nghiệm nghiêm túc, thực sự, đầy đủ thì đâu biết mình phù hợp môn nào để mà chọn ở cấp 3.
Thứ hai, việc nhân đôi Toán, Văn vô hình chung đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên 2 môn này về mặt gánh thành tích, dẫn đến tình trạng môn chính môn phụ rõ nét.
Thứ ba, theo định hướng chương trình GDPT mới phải đảm bảo trang bị toàn bộ tri thức nền tảng cho học sinh khi kết thúc lớp 9. Từ đó học sinh có cái nhìn toàn diện, hiểu rõ bản thân, phục vụ phân luồng học sinh sau THCS. Hơn nữa ở chương trình mới đã đổi mới phương pháp dạy và học, học sinh tự học nhiều hơn, giáo viên định hướng. Tuy nhiên, học sinh ở cấp dưới chỉ tập trung 3 môn, mất nền tảng nhiều môn thì lên cấp 3 lại dạy từ đầu. Vậy thì đổi mới làm sao?
Mục tiêu giờ đây không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, làm sao đánh giá học sinh một cách toàn diện. Do vậy, việc thi vào 10 cũng cần có bước chuyển mình phù hợp khi chỉ còn 2 lứa học sinh cấp 2 theo chương trình cũ là bắt đầu một thế hệ học sinh của chương trình mới tuyển sinh vào 10.
Thầy Hiền nhấn mạnh: "Tôi xin nói lại rằng áp lực không phải ở số môn thi bao nhiêu, quan trọng là cách kiểm tra đánh giá phù hợp và thái độ của người học".
Chia sẻ với báo chí, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, dự kiến tuần này sẽ có phương án thi 3 hay 4 môn thi tuyển sinh vào lớp 10. Đại diện Sở khẳng định, thí sinh yên tâm học tập bởi các phương án khi đưa ra sẽ được cân nhắc sao cho học sinh không áp lực.