TTVH Online

Đường tàu TP.HCM khoác áo mới nhờ sắc hoa, đã đủ để hài lòng hành khách?

Phong Cầm 09/04/2023 16:08 GMT+7

Ngành đường sắt TP.HCM dự định thay đổi diện mạo đường tàu nhờ việc trồng các loại hoa để tạo điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Thay đổi diện mạo ngành đường sắt nhờ trồng hoa

Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã ra mắt mô hình "Hành lang đường sắt an toàn, sạch, xanh và thân thiện môi trường" vào ngày 8/4 vừa qua, mục đích nhằm phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" trên địa bàn TP.HCM.

Mô hình này được triển khai theo kế hoạch của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc tổ chức trồng hoa tại các khu ga, hai bên đường sắt và địa điểm làm việc trên tuyến đường sắt Việt Nam.

Công ty đã phối hợp cùng UBND phường 13 (quận Bình Thạnh) tổ chức ra quân, làm vệ sinh, dọn cỏ và trồng được hơn 1.000 chậu hoa mười giờ và 70 cây giáng hương dọc hành lang tuyến đường ray.

Đường tàu TP.HCM khoác áo mới nhờ sắc hoa, đã đủ để hài lòng hành khách? - Ảnh 1.

Ngành đường sắt TP.HCM trồng hoa dọc hai bên đường tàu. Ảnh: I.T

Ông Nguyễn Công Đông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn cho biết công ty đã triển khai nghiên cứu tại các khu ga, cung đường, trạm chắn, hành lang dọc hai bên đường sắt. Căn cứ vào từng điều kiện, diện tích để xây dựng phương án phù hợp.

Theo đó, việc lựa chọn các giống cây rất cần thiết để tạo ra nét đặc sắc cho từng địa phương nơi có đường sắt đi qua. Đặc biệt, luôn đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt khi trồng cây và hoa.

Ông Đông cho biết phong trào đã nhận được sự quan tâm cùng hành động triển khai ngay của UBND quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận. Tiếp theo đó, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn sẽ triển khai tại các phường và quận huyện khác, nhanh chóng xây dựng các mảng xanh cho tuyến đường sắt tại khu vực TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận trong phạm vi tuyến đường sắt do công ty quản lý.

Được biết, ngày 2/4 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ phát động phong trào "Đường tàu - đường hoa" tại tỉnh Quảng Bình. Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết sẽ triển khai thực hiện trên 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua, cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2025).

Đường tàu TP.HCM khoác áo mới nhờ sắc hoa, đã đủ để hài lòng hành khách? - Ảnh 3.

Mô hình đường sắt - đường hoa dự kiến triển khai thực hiện trên 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua. Ảnh: I.T

Tuyến đường sắt Bắc - Nam có nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. "Mỗi cung đường - một loài hoa, mỗi khu ga - một điểm đến", đường hoa hình thành sẽ giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng.

"Đường sắt Việt Nam với hơn 3.143km, đi qua 34 tỉnh thành, nhiều cung đường được bình chọn là cung đường đẹp nhất thế giới, có nhiều nhà ga là di tích lịch sử - văn hóa. Kỳ vọng về lâu dài sẽ hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương và đến với Việt Nam", lãnh đạo ngành đường sắt cho hay.

Người dân đề nghị đường sắt đầu tư chất lượng toa tàu

Trước việc trồng hoa ven đường tàu, nhiều người dân bày tỏ sự thích thú. Chị Đỗ Thị Thảo (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) hào hứng cho biết sẽ chờ khi hoa nở rộ và đến chụp ảnh.

"Vài tháng trước, mạng xã hội rầm rộ xu hướng chụp ảnh trên tàu hỏa. Đây là cách hay để quảng bá và phát triển du lịch. Một số bạn bè của tôi đã đi tàu từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa để chụp ảnh. Giờ tại TP.HCM cũng trồng hoa, tôi không cần phải đi xa nữa", chị Thảo nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Đào (60 tuổi, ngụ quận 3) cho biết nếu trồng hoa dọc hết cung đường này thì sẽ hạn chế việc nhiều người lén mang rác đến đây đổ. Nếu có thể xây dựng một tuyến đường hoa xuyên suốt dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam là quá tốt. Những hành lang rộng có thể trồng các loại cây tán rộng, vừa có thể tạo mảng xanh trong thành phố, vừa giúp làm đẹp cảnh quan.

Đường tàu TP.HCM khoác áo mới nhờ sắc hoa, đã đủ để hài lòng hành khách? - Ảnh 4.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành đường sắt nên tập trung chất lượng vệ sinh trên tàu. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, ngành đường sắt nên chú trọng đầu tư hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ, trang thiết bị trên tàu để phục vụ hành khách tốt hơn thay vì là trồng hoa, tạo cảnh.

Anh Phạm Đình Minh (40 tuổi, nhân viên xây dựng tại TP.Thủ Đức) cho biết mong ước của đa số người dân là đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sớm được phê duyệt và triển khai xây dựng. Đối với đường sắt hiện tại, nâng cấp cũng tốt nhưng quan trọng nhất là giải quyết vấn đề các điểm giao cắt đường sắt qua các khu vực dân cư, xem xét bỏ giao cắt trên mặt phẳng.

"Tôi đi tàu mấy lần đều phát hãi với nhà vệ sinh trên tàu. Vì vậy, ngành đường sắt thay vì tạo nên sự tươi mới nhờ sắc màu của hoa thì nên chú trọng vệ sinh, hạ tầng trên tàu. Tôi thiết nghĩ, đơn vị quản lý đường sắt nên xác định đúng trọng tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ từ toa tàu, làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh trên tàu, còn đường hoa thì để lực lượng cây xanh thành phố phụ trách", anh Minh chia sẻ.

Ngoài ra, một số ý kiến khác tỏ ra lo ngại nguy cơ mất an toàn khi người dân đến chụp ảnh hoa hoặc bán hàng rong làm gia tăng tai nạn đường sắt. "Hằng năm, số vụ tai nạn tại các khu vực đường ray tàu hỏa xảy ra không phải ít. Nếu trồng hoa mà không quản lý tốt, người dân đến chụp ảnh theo các xu hướng trên mạng có khả năng gây mất an toàn, gia tăng nguy cơ rủi ro. Vì vậy, ngành đường sắt cần phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý", chị Mỹ Mỹ (một người dân tại quận Phú Nhuận) cho hay.

Hồng Trâm
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN