Lý Sơn là huyện đảo nên thời tiết khá đặc biệt hơn ở đất liền, vào mùa mưa lệch kéo dài từ khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nên để đi du lịch đảo Lý Sơn được nghỉ ngơi trọn vẹn, dưới đây là kinh nghiệm và mẹo nhỏ mách cho du khách.
Đảo Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Tuyến du lịch Lý Sơn được khai trương vào năm 2007 và là địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Theo các nhà khoa học, đảo Lý Sơn được hình thành dưới sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.
Đến đảo Lý Sơn, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với những bãi biển cát mịn, nước biển trong xanh, những homestay sát ven mặt biển, mở cửa là thấy sóng vỗ rì rào, cực kỳ thơ mộng.
Để đến đảo Lý Sơn, du khách phải đi tàu, phương tiện duy nhất ra đảo, vì vậy du khách cần đến cảng Sa Kỳ, đây là cảng nơi các chuyến tàu xuất phát đi và đến Lý Sơn.
Trước kia, mỗi ngày chỉ có từ 1-2 chuyến tàu cao tốc Sa Kỳ – Lý Sơn khiến cho việc đi lại khá vất vả, mua vé cũng mất khá nhiều thời gian. Thời điểm hiện tại, do Lý Sơn đã được đầu tư và quy hoạch phát triển du lịch nên lượng khách đến với đảo ngày càng nhiều, các hãng dịch vụ tư nhân cũng đầu tư và đóng mới thêm nhiều tàu để phục vụ khách.
Tùy vào từng thời điểm, mỗi ngày có thể có từ 10-15 chuyến tàu chạy ra đảo Lý Sơn, chuyến tàu sớm nhất vào khoảng 7h30 và chuyến tàu cuối cùng thường chỉ trong khoảng 15h-15h30.
Hiện tại tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ- Lý Sơn có 7 tàu siêu tốc đã đưa vào hoạt động với tổng lượng khách chở khoảng 800 người/lượt. Trong đó, chiếc lớn nhất chở 168 người/lượt, nhỏ nhất là 78 người/lượt. Đây là những tàu được đóng mới và khá hiện đại, thời gian ra đảo Lý Sơn được rút ngắn xuống chỉ còn từ 30-50 phút.
Để đặt vé tàu cao tốc/siêu tốc đi Lý Sơn du khách có thể mua trực tiếp tại quầy vé cảng Sa Kỳ, đặt mua qua điện thoại 0255 3626 431 – 0255 3614 586 hoặc email dangkyve.csk@gmail.com hoặc đặt vé bằng form đặt vé tàu online của cảng. Ban quản lý cảng sẽ bán vé lần lượt theo các chuyến tàu, hết chuyến tàu này mới bán vé chuyến tàu tiếp theo nên nếu du khách muốn mua vé xong và đi luôn thì sẽ khó lựa chọn được tàu, nếu mua trước (hoặc có thời gian ngồi chờ đúng chuyến tàu ưng ý) có thể lựa chọn được tàu mong muốn.
Đi lại trên đảo Lý Sơn
Lý Sơn có khá nhiều lựa chọn đi lại cho du khách. Trên Đảo Lớn, du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc thuê những chiếc xe ba gác của người dân để di chuyển nếu số lượng thành viên trong đoàn không quá đông, nếu đoàn đông nên lựa chọn thuê xe ô tô cho tiện. Trên Đảo Bé do diện tích khá nhỏ, du khách có thể lựa chọn đi bộ hoặc lựa chọn xe điện do một vài hộ dân trên đảo kinh doanh.
Địa điểm du lịch, tham quan đảo Lý Sơn
Đến Lý Sơn, du khách có thể đi từ đảo lớn sang đảo bé. Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.
Từ Đảo Lớn mỗi ngày đều có nhiều chuyến tàu sang Đảo Bé, tàu thường xuất phát buổi sáng và quay lại vào buổi chiều. Nếu có nhiều người có thể thuê thuyền sang đảo bé cho chủ động. Thuê thuyền riêng có lợi thế là du khách có thể đi bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào giờ tàu chạy. Tối có thể mang theo lều ngủ tại đảo bé, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ. Hẹn tàu sáng hôm sau đón về sớm rồi quay vào đất liền luôn.
Sang Đảo Bé du khách có thể đi dạo một vòng quanh đảo thăm thú cảnh đẹp, các ruộng tỏi, tới bãi tắm ở phía cuối đảo rồi quay trở lại phía cầu tàu để nghỉ ngơi ăn uống.
Ngoài ra du khách có thể làm một vòng tour chợ đêm hay tham quan Chùa Đục và Quan Âm Đài đây là ngôi chùa có tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.
Du khách có thể tham quan chùa Hang, đình An Vĩnh, đài tưởng niệm Hải đội Hoàng Sa, âm Linh Tự, mộ gió, cổng tò vò, hang câu, đỉnh Thới Lới, cột cờ Tổ quốc , hòn Mù Cu, giếng Vua, nhà cổ Lý Sơn, đình An Hải…
Đình làng An Hải được xây dựng từ năm 1820, năm đầu tiên dưới triều vua Minh Mạng. Di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền An Hải thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, thể hiện qua kỹ thuật chạm khắc gỗ độc đáo ở án thờ, các vì kèo, trụ chồng, đỉnh cửa… kỹ thuật đắp nổi qua các ô trang trí cổ diêm với các mô – típ mai điểu, ngư điểu, ở bề mái với mô – típ lưỡng long triều nhật, long phụng triều quy, ở mặt tiền với mô – típ cặp nghê chầu đỡ cột đình.
Hiện đình làng và nhà thờ còn lưu giữ được các bức hoành phi, ngai thờ, liễn đối cẩn xà cừ có giá trị về lịch sử, văn hoá, bên cạnh giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân trên đảo Lý Sơn.
Đến đảo Lý Sơn du khách có thể nghỉ ở các khách sạn hoặc nhà nghỉ, homestay, trải nghiệm ngủ lều.
Trên huyện đảo Lý Sơn cũng như ở nhiều vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và cả nước có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió.
Lý Sơn là huyện đảo nên thời tiết khá đặc biệt hơn ở đất liền, vào mùa mưa lệch kéo dài từ khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau.
Khoảng từ tháng 3-8 hàng năm là thời điểm mùa khô, trời ít mưa cũng như nắng nhiều nên sẽ tương đối phù hợp cho việc tới Lý Sơn.
Nếu muốn đến Lý Sơn tham dự lễ khao thề lính Hoàng Sa, du khách cần nhớ khoảng thời gian từ 18-20/3 âm lịch (có những năm lại tổ chức sớm hơn).
Nếu muốn tham quan các ruộng tỏi mùa thu hoạch du khách có thể đến vào khoảng đầu tháng 12.
Khoảng thời gian cuối năm từ tháng 9-12 là mùa mưa bão của dải miền Trung, đôi khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc đi lại từ đất liền ra đảo, du khách cần theo dõi thời tiết thật kỹ để lên kế hoạch cho phù hợp nếu định tới Lý Sơn vào thời gian này. Có những thời điểm, việc cấm tàu Sa Kỳ – Lý Sơn kéo dài tới hàng tuần.