TTVH Online

Một cây cổ thụ khổng lồ sống gần 1.000 năm ở Kon Tum, thọ hơn ông Bành Tổ, ngước lên chóng hết cả mặt

Phong Cầm 06/02/2024 09:45 GMT+7

Lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 281 thuộc thôn Đăk Chờ, xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) hiện có cây sao cát cổ thụ, sống gần 1.000 năm tuổi. Cây cổ thụ này được xem biểu tượng niềm tin của người dân nơi đây. Do đó, bà con và các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đang ngày đêm bảo vệ cây cổ thụ.

Cây cổ thụ nghìn năm-cây của Yàng

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, cây sao cát trên là cây rừng lớn nhất tại Kon Tum. 

Một cây cổ thụ khổng lồ sống gần 1.000 năm ở Kon Tum, thọ hơn ông Bành Tổ, ngước lên chóng hết cả mặt- Ảnh 1.

Cây sao cát-một cây cổ thụ hiếm có khó thấy, gần nghìn năm tuổi phải 10 người ôm mới hết thân cây ở Lô 2, khoảnh 2, tiểu khu 281 thuộc thôn Đăk Chờ, xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum).

Nó có tuổi đời gần 1.000 năm. Cách đây hơn 30 năm, cây bị "lâm tặc" cưa nhưng giữa chừng bỏ vì thân quá lớn, không thể vận chuyển ra khỏi rừng.

Theo chân cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, phóng viên tận mắt chứng kiến sự vĩ đại, đồ sộ của cây sao cát trên. Cây đường kính hơn 4 mét, phải gần 10 người lớn mới ôm hết thân cây. Cây cao khoảng 35 mét, thẳng đứng. 

Cành cây cổ thụ này rất ít, ngọn không xum xuê, cây vươn thẳng lên cao để hứng ánh sáng mặt trời. Giữa thân cây, có một số khối u (hay còn gọi là nu). Vỏ cây có dấu hiệu thay “áo” mới.

Hàng chục năm qua, cây sao cát trên trở thành biểu tượng, niềm tin của bà con ở quanh khu rừng trên. Người Xê Đăng nơi đây gọi cây sao cát cổ thụ trên là cây của Yàng (thần linh), không ai dám cưa hạ. Vết tích của việc cưa hạ cách đây 30 năm vẫn còn. 

Ở gốc cây, cách mặt đất khoảng 1 mét, có 3 vết cưa lớn, sâu vào thân gần 1 mét. Vết cưa hở khoảng 50cm, người dân và các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đặt lư hương, bảng cấm phá rừng tại những vết cưa này.

Là người chứng kiến sự kiên cường, phát triển của cây hơn 30 năm qua, anh A Phương, ở làng Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết, đây là cây to, cây cổ thụ nhất ở các cánh rừng của công ty. Người dân, chính quyền và chủ rừng rất quan tâm bảo vệ cây cổ thụ này.

Theo anh Nguyễn Trung Nguyên, Phó trưởng Phân trường 2 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô), đơn vị thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng và cây sao nghìn năm tuổi trên. Cây là biểu tượng của niềm tin, tinh thần bất khuất của bà con nơi đây.

Giữ màu xanh cho tương lai

Cuối năm 2023, dưới gốc cây sao cát cổ thụ, gần một trăm hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng sáu xã ở hai huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, kiểm lâm địa bàn đã ký biên bản cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, kết hợp tuần tra, quy quét. Cây sao cát nghìn năm tuổi là minh chứng cho hội nghị trên.

Anh Nguyễn Trung Nguyên, Phó trưởng Phân trường 2 cho biết, dưới tán cây sao cát cổ thụ, các hộ dân, nhóm hộ, cộng đồng thôn, làng đã cam kết cùng nhau quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. 

Tại đây, mọi người cam kết tuần tra, kiểm tra toàn lâm phần; bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, phát động phong trào thi đua về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng… đặc biệt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong mùa khô năm 2024.

Một cây cổ thụ khổng lồ sống gần 1.000 năm ở Kon Tum, thọ hơn ông Bành Tổ, ngước lên chóng hết cả mặt- Ảnh 4.

Thân cây khổng lồ của cây sao cát cổ thụ, gần nghìn năm tuổi ở thôn Đăk Chờ, xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum).

Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như niềm tin của người Xê Đăng với cây sao cát nghìn năm tuổi, các cánh rừng thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô không bị xâm hại.

Các đơn vị, hộ nhận khoán và chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mặc dù rừng nơi đây được xem là có nguy cơ cháy rất cao.

Kế thừa, phát huy thành quả đạt được, bước vào mùa khô 2024, chủ rừng và người dân cùng ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, dưới gốc cây sao cát nghìn năm tuổi, đơn vị cùng người dân xác định các vùng trọng điểm sẽ bị xâm hại rừng trái phép, cháy rừng.

Công ty và người dân thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, tu sửa, làm mới công cụ, dụng cụ, công trình phòng cháy; thành lập, di chuyển chốt trạm bảo vệ rừng đến vị trí phù hợp.

Công ty và hộ nhận khoán tổ chức tốt công tác xây dựng, củng cố lực lượng các tổ quần chúng ở cơ sở thôn, làng, xã; tham gia tích cực công tác bảo vệ rừng, trong đó nòng cốt là già làng, người có uy tín, Bí thư chi bộ, thôn trưởng, hộ sống gần và ven rừng, nhất là hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. 

Với cây sao cát nghìn năm tuổi, người dân và lực lượng quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ.

Hàng chục năm qua, khi tuần tra, bảo vệ rừng, người dân luôn đi qua cây sao cát nghìn năm tuổi trên. Đó là biểu tượng, niềm tin của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. 

Bảo vệ cây, giữ rừng là mang lại màu xanh của niềm tin, hy vọng. Nhờ có rừng, người dân sống quanh có cuộc sống ổn định, hưởng lợi từ các chính sách dịch vụ môi trường rừng.

Cao Nguyên
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN