QH thảo luận dự án sân bay Long Thành: Không tạo gánh nặng lên thế hệ mai sau

Đăng Thuý Thứ sáu, ngày 05/06/2015 07:02 AM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận ngày 4.6, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình, phương thức thu hồi vốn, tính minh bạch trong triển khai dự án.
Bình luận 0

Tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

img
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: I.T
Báo cáo cho biết, với tình trạng khai thác hiện nay (20 triệu hành khách/năm), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải ở tất cả các công đoạn. Khi dự án Long Thành được phê duyệt thì giai đoạn 1 sớm nhất cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành. Dự kiến từ năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Báo cáo phân tích, phương án nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 40 - 50 triệu hành khách/năm không khả thi. Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chưa kể chi phí quy hoạch, xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khu vực quanh Cảng hàng không của thành phố (khu vực các quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận)…

Ngoài ra, phương án cải tạo/mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa cũng không khả thi do chi phí đầu tư cải tạo lớn. Việc khai thác các cảng hàng không khác (Cần Thơ, Liên Khương...) cũng không phù hợp vì mỗi cảng hàng không có vai trò riêng.

Theo Bộ trưởng Thăng, dự kiến cơ cấu vốn cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ sử dụng 12.149 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư) để GPMB, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nguồn vốn này dự kiến được phân bổ trong 3 năm.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, tác động của dự án đến nợ công tối đa khoảng 0,28% GDP, ảnh hưởng đến nợ công của dự án là không đáng kể.

Tránh thất thoát, lãng phí

Tuy đa số ý kiến các ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng cũng vẫn không giấu nổi sự e dè, băn khoăn trong công tác triển khai một dự án với số vốn “khủng” trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nếu chậm xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải mà không trở tay kịp. ĐB Lịch đề nghị “có thể làm sớm hơn chứ không chờ đến năm 2018- 2025, bởi sự quá tải này đã hiện rõ”.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị có thể khởi công dự án từ 2016 thay vì 2018.

Tuy nhiên, nhiều ĐB đề nghị cần tập trung quản lý công trình, tiến độ thi công, tránh làm thất thoát, lãng phí nguồn vốn. ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, cần phải xem xét từng hạng mục chi phí, tránh gây thất thoát vốn ODA, phải công khai nguồn vốn để tránh tình trạng trục lợi, luồn lách và lợi ích nhóm của một số đối tượng. Một số ĐB đề nghị làm rõ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân có đất thu hồi. Một số khác đề nghị việc quy hoạch, quản lý phải có tầm nhìn lâu dài, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả kinh tế-xã hội…

Về phương án huy động vốn, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) kiến nghị chọn hình thức đối tác công tư (PPP), giảm tỷ lệ ODA để không tăng gánh nặng trả nợ, và không nên theo phương thức Xây dựng- Vận hành – Chuyển giao (BOT) khiến nhà nước dễ mất quyền kiểm soát. ĐB Trần Văn (Cà Mau) cũng nhấn mạnh “không tạo gánh nặng lên ngân sách và các thế hệ mai sau”. Nhiều ĐB cũng muốn Chính phủ lưu ý đến tương lai của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi có Long Thành.

  Dự án sẽ cần sử dụng nguồn vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng (26,5% tổng mức đầu tư) để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ. Đối với khoản huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng (62,4% tổng mức đầu tư) dùng đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại.  

Để thất thoát vốn là có tội với dân

Trao đổi với báo chí sau phiên thảo luận, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, suy đi tính lại việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là cần thiết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng và phát triển kinh tế tổng thể. Tuy nhiên, Chính phủ phải đưa ra nhiều phương án huy động vốn để đại biểu chọn lựa, có tính đến trượt giá.

“Phải bảo đảm tiết kiệm, vì lãng phí, thất thoát nguồn vốn là có tội với dân, phải làm cử tri tin tưởng rằng vốn vay về là để đầu tư có hiệu quả đồng thời cảnh báo làm chậm Long Thành là mất thời cơ vàng”-ĐB Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Đừng đặt Quốc hội vào “sự đã rồi”

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc triển khai dự án chậm trễ và kéo dài. Nếu chậm sẽ phải trả giá theo cấp số nhân.

Theo ông Quốc, bước đi tiếp theo, Chính phủ, đặc biệt là Bộ GTVT nên đẩy mạnh hơn việc minh bạch hóa, thu hút ý kiến của người dân, đặc biệt tìm được ý kiến chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục người dân và dư luận. Hay nói cách khác, cần có một cơ quan tư vấn độc lập có đủ sức thuyết phục để dân yên lòng, các nhà khoa học tâm phục khẩu phục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

“Cá nhân tôi ủng hộ dự án nhưng với điều kiện phải tiến hành các bước đi tiếp theo và đối với những dự án sau này, chúng ta phải có lộ trình hợp lý chứ ko phải đặt sự việc vào thế đã rồi, phải quyết định trong trong tình cảnh không còn con đường nào khác”-ĐB Quốc nhấn mạnh.

Thuý Đăng (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem