Quan chức Mỹ vạch trần "kế hiểm" của TikTok, kêu gọi Trump cấm cửa ứng dụng Trung Quốc

13/07/2020 12:00 GMT+7
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ tung thêm nhiều đòn trừng phạt với các ứng dụng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc như TikTok hay WeChat.
Quan chức Mỹ vạch trần "kế hiểm" của TikTok, kêu gọi Trump cấm cửa ứng dụng Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ xem xét cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc

Theo ông Navarro, chính quyền Trump hiện mới bắt đầu để mắt đến 2 ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat, nhưng không loại trừ khả năng cấm cửa chúng tương tự như những gì Ấn Độ đã thực hiện do quan ngại rủi ro an ninh quốc gia.

Về phía TikTok, ứng dụng này nhiều lần phủ nhận gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhà điều hành ứng dụng đang cân nhắc tái cấu trúc TikTok để xác lập khoảng cách rõ rệt với Trung Quốc trong nỗ lực xóa bỏ mối nghi ngờ của các chính phủ. Theo các nguồn tin, TikTok được cho là đang xem xét một số địa điểm cho một trụ sở TikTok toàn cầu. Các văn phòng lớn nhất của TikTok hiện đặt ở Los Angeles, New York, London, Dublin và Singapore.

Nhưng Cố vấn Nhà Trắng Navarro chỉ ra rằng TikTok đang muốn “diễn một vở kịch” tương tự như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei bằng cách thuê cựu CEO Disney Kevin Mayer lên giữ chức giám đốc điều hành mới. “Kế hoạch đưa một con rối người Mỹ lên chịu trách nhiệm cho TikTok sẽ không thành công” - ông Navarro khẳng định.

“Ngay cả khi TikTok được bán cho chủ sở hữu Mỹ, điều này cũng không giải quyết triệt để được vấn đề” - Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho hay trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Fox News. “Nếu TikTok tách ra thành một công ty Mỹ, điều này cũng không giúp ích gì. Nó thậm chí còn tệ hơn vì chúng tôi khi đó sẽ phải trả cho Trung Quốc hàng tỷ USD đưa TikTok hoạt động tại Mỹ”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự như vị Cố vấn Nhà Trắng, rằng Mỹ có thể xem xét cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc như TikTok. “Tôi không muốn ra mặt trước khi Tổng thống Trump lên tiếng, nhưng sự thật là chúng tôi đang xem xét điều đó (cấm các ứng dụng Trung Quốc)... Việc điều tra TikTok là một phần trong nỗ lực lớn của Mỹ để bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân Mỹ” - ông Pompeo nhấn mạnh trong một tuyên bố hồi đầu tháng 7.

Ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance đã thu hút hàng trăm triệu lượt download ở Mỹ và hàng tỷ lượt download trên toàn cầu. WeChat, một ứng dụng phổ biến khác thuộc sở hữu của gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent Holdings cũng được người dùng Trung Quốc sử dụng trên toàn cầu.

Hôm 30/6, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã quyết định chặn 59 ứng dụng Trung Quốc vì quan ngại hoạt động của các ứng dụng này có nguy cơ gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự công cộng đất nước cũng như quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ.

Các quan chức Mỹ sau đó cũng xem xét phương án cấm cửa TikTok khi ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo về rủi ro bảo mật từ ứng dụng này. Mối lo ngại về hoạt động vi phạm bảo mật thông tin người dùng đã tăng lên trong những tuần gần đây khi nhóm Hacker Anonymous nổi tiếng thế giới đã cảnh báo trên tài khoản Twitter chính thức rằng TikTok của Trung Quốc thực chất là “công cụ gián điệp”. “Hãy xóa TikTok ngay bây giờ nếu ai đó xung quanh bạn đang sử dụng ứng dụng này. Hãy giải thích cho họ rằng TikTok thực chất là phần mềm độc hại phục vụ cho mục đích gián điệp”.

Mới đây nhất, tập đoàn ngân hàng  Wells Fargo đã yêu cầu nhân viên gỡ TikTok khỏi smartphone làm việc của họ vì những lo ngại bảo mật. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa thông báo tương tự nhưng sau đó rút lại, tuyên bố đây chỉ là một thông báo lỗi.


 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục