Sau Ấn Độ, đến lượt Mỹ xem xét cấm TikTok của Trung Quốc

07/07/2020 16:48 GMT+7
Sau Ấn Độ, có vẻ như Mỹ cũng đang xem xét lệnh cấm các ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang.
Sau Ấn Độ, đến lượt Mỹ xem xét cấm TikTok của Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau Ấn Độ, đến lượt Mỹ xem xét cấm TikTok của Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hôm 6/7 tuyên bố Mỹ đang xem xét cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, viện dẫn những quan ngại an ninh quốc gia từ các công ty công nghệ đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Tôi không muốn ra mặt trước khi Tổng thống Trump lên tiếng, nhưng sự thật là chúng tôi đang xem xét điều đó (cấm các ứng dụng Trung Quốc)” - ông Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Fox News.

Các nhà lập pháp Mỹ đã cảnh báo về rủi ro an ninh quốc gia từ việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng. Mỹ từ lâu đã cho rằng luật pháp Trung Quốc có điều khoản yêu cầu các công ty trong nước hỗ trợ và hợp tác với tổ chức tỉnh báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Vị Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo người dân nên thận trọng khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng video TikTok được phát hành bởi công ty ByteDance, một trong những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. “Nếu bạn muốn thông tin cá nhân của mình nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc thì cứ việc tải TikTok”.

Nhận định của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt sau hàng loạt nghi ngờ về sự lây lan và nguồn gốc dịch Covid-19, dự luật an ninh mới mà Trung Quốc áp đặt tại Hồng Kông cũng như những mâu thuẫn thương mại dai dẳng trong hai năm qua. Hồi cuối năm ngoái, Quân đội Mỹ đã cấm các học viên đang học tập và phục vụ trong Quân đội sử dụng TikTok do quan ngại về vấn đề kiểm duyệt nội dung và bảo mật dữ liệu người dùng của ứng dụng này.

Đáp lại những bình luận trên, đại diện TikTok khẳng định với tờ Reuters rằng họ chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn ngoài việc quảng bá trải nghiệm về một ứng dụng an toàn, bảo mật với mọi người dùng. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và cũng sẽ không làm như vậy ngay cả khi bị yêu cầu”.

Mối lo ngại về hoạt động vi phạm bảo mật thông tin người dùng đã tăng lên trong những tuần gần đây khi nhóm Hacker Anonymous nổi tiếng thế giới đã cảnh báo trên tài khoản Twitter chính thức rằng TikTok của Trung Quốc thực chất là “công cụ gián điệp”. “Hãy xóa TikTok ngay bây giờ nếu ai đó xung quanh bạn đang sử dụng ứng dụng này. Hãy giải thích cho họ rằng TikTok thực chất là phần mềm độc hại phục vụ cho mục đích gián điệp”.

Tuyên bố này đi kèm một bài phân tích trên MXH Reddit rằng ứng dụng TikTok đang thu thập rất nhiều thông tin đáng lo ngại của người dùng từ danh sách ứng dụng đã cài đặt đến thông tin phần cứng smartphone… Đây không phải lần đầu tiên Anonymous cảnh báo công chúng về độ an toàn bảo mật của ứng dụng TikTok. Nhóm này từng lên tiếng tuyên bố không bao giờ sử dụng ứng dụng Trung Quốc này, dù TikTok thu hút đến hàng trăm triệu lượt download tại Mỹ.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm cả TikTok, WeChat và Weibo do quan ngại các ứng dụng gây rủi ro cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục