Quận, huyện nào của Hà Nội sẽ thiếu nước sạch trong mùa hè?

Thành An Thứ năm, ngày 19/04/2018 16:06 PM (GMT+7)
Mùa nắng nóng sắp tới, hàng loạt khu vực đô thị Hà Nội được dự báo sẽ khó khăn về nước sạch, buộc phải cấp nước theo giờ, có điểm phải cấp bằng xe stec.
Bình luận 0

Nước thiếu còn lo vỡ ống

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, mặc dù mùa hè năm 2018 hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm vào hệ thống nhưng do tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) nên dự báo việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ còn khó khăn vào thời gian cao điểm mùa hè.

Dự kiến, thời điểm cao điểm mùa hè  sẽ thiếu khoảng 20.000-24.000m3/ngày đêm. Do đó, ông Dục nhấn mạnh: Sẽ có nơi phải cấp nước theo giờ, có điểm phải cấp nước bằng xe stec”.

Một số khu vực đô thị tại Hà Nội sẽ khó khăn như: Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân); khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì),v.v...  

img

Các hộ dân ở KĐT Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều năm nay luôn gặp phải tình trạng thiếu nước trong mùa hè. Ảnh: Thành An

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trăn trở: Tuyến cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà cấp về Hà Nội hiện tại cung cấp khoảng 219.295m3/ngày đêm, chiếm khoảng 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao xảy ra sự cố vỡ ống gây ảnh hưởng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt khu vực phía Tây Nam thành phố. 

Ngoài ra, tuyến ống truyền tải nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà hiện đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây nên càng hạn chế khả năng cung cấp nước.

Chú trọng chất lượng nước

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa hè 2018, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè 2018, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà.

Cùng với việc yêu cầu các đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Hà Nội cũng yêu cầu các công ty cấp nước thực hiện một số giải pháp đồng bộ như vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ, huy động các xe stec hỗ trợ cấp nước những đối tượng ưu tiên như bệnh viện, trường học...

img

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng tỷ lệ thất thoát nước còn cao, do đó Sở Xây dựng Hà Nội cần có giải pháp chống thất thoát nước. Ảnh: Thành An

Đặc biệt, thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ/1 điếm vỡ; tập trung thi công hoàn thành tuyến truyền dẫn cấp nước số 2 sông Đà, trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến vành đai 3 như cam kết…

"Mục tiêu của Sở là bảo đảm chất lượng nước, bảo đảm sản xuất và cung cấp với tổng công suất khoảng 1.046.479 m3/ngày đêm" - Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội nêu.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp tập thể UBND TP tháng 4 để thảo luận một số nội dung thuộc thẩm quyền UBND TP do ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chủ trì ngày 19.4, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, Sở Xây dựng cần bổ sung thêm phụ lục nêu rõ nhu cầu nước và dự báo nhu cầu tăng thêm, trên cơ sở đó khẳng định khả năng đáp ứng cho từng khu vực; đồng thời chủ động các phương án cấp nước. Về giải pháp, cần đưa ra cụ thể về điều tiết cung cấp nguồn nước khi xảy ra sự cố mất nước; giải pháp giảm thiểu thất thoát nước.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: “Chất lượng nước sạch cần chú trọng hơn. Những nhà máy cung cấp nước sạch mà nước không đảm bảo chất lượng phải đóng cửa và có phương án cung cấp nước sạch cho dân cư khu vực đó”.

Hà Nội sẽ khai thác nước mặt sông Hồng để bù thiếu nước

Cảnh báo mất nước cục bộ ở một số quận, huyện Hà Nội

Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu và cần nêu rõ cụ thể những điểm có nguy cơ thiếu nước và giải pháp cung cấp nước cho người dân khu vực đó. Giải pháp chống thất thoát nước cũng cần được nêu rõ trong kế hoạch.

“Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, cần có giải pháp chống thất thoát nước. Những địa điểm, địa bàn có nguy cơ thiếu nước phải có kế hoạch bổ sung cụ thể; phân công trách nhiệm, phần việc cụ thể của từng đơn vị để ứng phó khi xảy ra sự cố cấp nước sạch” - Chủ tịch Hà Nội nói về vấn đề cấp thiết trên.

Bên cạnh đó, chất lượng nước cũng là vấn đề mà Chủ tịch Hà Nội lưu tâm, ông Chung đề nghị Sở Xây dựng phải lắp đặt thêm thiết bị lọc để tiến tới đến năm 2020 nước sạch có thể uống được ngay tại vòi; Sở Y tế cần thường xuyên tăng cường kiểm tra chất lượng nước sạch, công khai để người dân biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem