Quản lý phân bón giả, kém chất lượng: Quản lý thị trường bị “trói tay”

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 05/12/2015 08:23 AM (GMT+7)
Nhiều quy định bất cập từ các văn bản hiện hành khiến lực lượng quản lý thị trường không phát huy vai trò trong kiểm soát phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường…
Bình luận 0

Đó là bức xúc của nhiều Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đến từ 23 tỉnh thành khu vực phía Nam tại Hội nghị “Tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng” do Bộ Công thương, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tổ chức tại TP. Vũng Tàu sáng 4.12.

QLTT không xử phạt, cơ hội cho gian lận

img

Luật quản lý, kiểm tra, chế tài phân bón giả, kém chất lượng còn nhiều kẽ hở khiến nhiều trường hợp vi phạm dễ lách luật.

Thống kê của nhiều địa phương, trong năm 2015 có rất nhiều trường hợp vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng được cơ quan QLTT phát hiện. Đáng nói, dù có rất nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng được phát hiện nhưng vì lý do “chưa được giao quyền” nên đại diện Chi cục QLTT các tỉnh thành cũng thừa nhận: Những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng, do không được lập biên bản và xử phạt nên việc xử lý sau đó đối với các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng chỉ như… “bắt cóc bỏ dĩa”.

Cụ thể, ông Nguyễn Minh Trung, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Đồng Tháp cho biết, có trường hợp chi cục ông phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón nghi kém chất lượng. Tuy nhiên, do không được lập biên bản nên chi cục chỉ lấy mẫu kiểm nghiệm mà không được tạm giữ hàng hóa, sau đó đề xuất Sở Công thương lập biên bản xử lý. Đến khi có kết quả kiểm nghiệm phát hiện vi phạm thì xuống cơ sở người ta đã bán hết. “Chính vì những vướng mắc này vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa kém chất lượng, gây thiệt hại cho nền kinh tế và người nông dân”, ông Trung bức xúc.

Theo ông Phạm Văn Cường, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng, đa số phân bón lưu thông trên địa bàn tỉnh là của các đơn vị có trụ sở, nhà máy sản xuất ngoài tỉnh nên theo điều 38 Nghị định 163/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền quản lý không thuộc UBND các cấp tỉnh Lâm Đồng. Do vậy, khi phát hiện phân bón kém chất lượng thì lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng, còn hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng thì không thể xử lý.

Người vi phạm dễ lách luật

Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm phát hiện các hành vi lách luật của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Ông Phạm Văn Cường nêu trường hợp về vụ sản xuất phân bón giả của Công ty TNHH SX-TM-DV Phúc Quỳnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) liên quan nhiều địa phương, nhiều ngành khác nhau.

Công ty này đã sản xuất phân bón giả nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Thiên Phú Nông, dùng hóa đơn giá trị gia tăng đã quyết toán hủy với cơ quan thuế để hợp thức hóa cho hàng giả và bán cho các cơ sở kinh doanh tại Lâm Đồng. “Khi cơ quan điều tra vào cuộc thì không tìm được công ty Phúc Quỳnh, không tìm được chủ DN nên không thể xử lý được đối tượng sản xuất hàng giả mà chỉ xử lý được người kinh doanh”, ông Cường kể.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Phước, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang, lại chỉ ra “kẽ hở” lách luật mới, đó là khi Chi cục QLTT gửi các vụ việc vi phạm hàng hóa phân bón cho cơ quan chức năng có thẩm quyền (Thanh tra Sở Công thương) để lập biên bản và xử phạt thì xảy ra tình trạng cơ quan này xử phạt không đúng theo đề nghị của Chi cục QLTT. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện và đề nghị xử phạt đối tượng vi phạm theo Nghị định 163/2013/NĐ-CP nhưng Thanh tra Sở Công thương lại xử phạt theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng.

“Nếu xử theo Nghị định 163/2013/NĐ-CP về vi phạm hàng phân bón giả, kém chất lượng thì mức xử phạt có thể từ 60 đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu xử phạt theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP thì có khi chỉ xử phạt được khoảng 1 triệu đồng. Như thế sẽ mất đi tính răn đe với các trường hợp vi phạm”, ông Phước nói.

Năm 2015, Chi cục QLTT tỉnh  Lâm Đồng đã xử lý 46 vụ vi phạm, trong đó có 13 vụ sản xuất phân bón không đạt định lượng so với tiêu chuẩn công bố, 2 vụ sản xuất phân bón giả, 31 vụ vi phạm về nhãn, môi trường. Tại Đồng Tháp, Chi cục QLTT cũng xử lý 21 vụ kinh doanh phân bón không đạt chất lượng. Còn tại Tiền Giang, Chi cục QLTT đã xử phạt 24 vụ vi phạm, trong đó có 12 vụ là phân bón giả và 12 vụ là phân bón kém chất lượng… “Kết quả kiểm nghiệm giữa các trung tâm chưa đồng nhất về kết quả gây khó khăn cho công tác xử lý, chưa tạo niềm tin cho người kinh doanh và cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Minh Trung, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Đồng Tháp nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem