Quản lý sản xuất phân bón bằng giấy phép

Thứ ba, ngày 28/05/2013 08:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội hôm qua (27.5).
Bình luận 0

“Siết” từ sản xuất tới kinh doanh

Bà Nguyễn Kim Liên- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ở nước ta đang trong tình trạng báo động mà nguyên nhân chủ yếu là do ai cũng có thể sản xuất, kinh doanh phân bón.

img
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phải thốt lên rằng: Có mặt hàng phân bón đã được đưa vào danh mục hẳn hoi, nhưng khi tra ra cơ sở sản xuất ở đâu thì chỉ thấy còn mỗi cái tên cơ sở là tồn tại, còn lại không có nhà xưởng, máy móc gì cả, ngay bản thân tôi cũng không biết phân bón ấy được sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao?

“Hậu quả của việc không quy định điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phân bón và không cấp giấy chứng nhận hay giấy phép cho ngành đặc thù này đã dẫn tới việc phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, nông dân bức xúc, báo chí thì viết tốn giấy mực” - ông An nói.

Ông Trương Hợp Tác- Trưởng phòng Phân bón (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cũng cho biết, hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và trên dưới 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh phân bón. Do vậy, để loại bỏ các cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết và các cơ sở chỉ làm ra mặt hàng phân bón kém chất lượng thì rất cần quy định các điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phân bón. Từ trước tới nay, không có điều kiện ràng buộc với ngành phân bón nên cơ quan nhà nước cũng bó tay trong việc quản lý chất lượng phân bón ngay từ đầu nguồn. Việc bắt bớ phân bón giả, kém chất lượng cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, thị trường phân bón sau đó lại bát nháo.

Kết quả kiểm tra, phân loại các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón theo thông tư 14 của Bộ NNPTNT cho thấy, trong số 1.466 cơ sở được kiểm tra, đánh giá lần đầu: Loại A có 220 cơ sở (21,1%), loại B có 636 cơ sở (61%), loại C có 187 cơ sở (17,9%). Tái kiểm tra định kỳ 7 cơ sở: Lên loại B có 2 cơ sở, loại C có 5 cơ sở.

(Nguồn: Bộ NNPTNT)

Ông Nguyễn Trí Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu thực tế, chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng đã có trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng do không kiểm tra được nguồn gốc nên Nhà nước chỉ còn cách “bỏ ngỏ” chất lượng. Còn theo ông Trần Quốc Toản- Giám đốc Công ty TNHH Toàn Xuân (Nam Định) thì phải quy định điều kiện mới khống chế được phân bón giả, kém chất lượng.

Sản xuất được quy định điều kiện, bán phân bón cũng phải có điều kiện; tức là “anh có hiểu biết nhất định về phân bón thì mới bán sản phẩm có chất lượng được, quy định phải không khác gì ngành dược và bán thuốc hiện nay”-ông Toản nói. Để như thực tế hiện nay, theo ông Trương Hợp Tác, quản lý phân bón của chúng ta đang rất “hở”. Cũng do không có điều kiện nên không truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, đưa thành ngành có điều kiện sẽ giúp cơ quan quản lý truy được nguồn gốc, quản lý thị trường phân bón cũng sẽ “nhẹ” đi rất nhiều.

Ông Nguyễn Hồng Vinh- Phó Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí cũng mong rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về điều kiện để việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón được thống nhất. “Quan trọng nhất là chúng ta phải dần loại bỏ được những loại phân bón kém chất lượng, chất lượng không như cam kết để đảm bảo quyền lợi người nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất uy tín, có thương hiệu...” - ông Vinh nói.

Sẽ “bỏ ngọn, lo gốc”...

Cũng liên quan tới chất lượng phân bón, tại hội nghị hôm qua, đại diện nhiều địa phương đã lên tiếng về việc chất lượng phân bón Việt Nam đang bị quản “ngược”, tức chỉ quản được phần ngọn còn bỏ phần gốc. Ông Trần Xuân Nhuệ- Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, hiện chúng ta quản lý phân bón theo danh mục được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, do Bộ NNPTNT ban hành và bổ sung hàng quý. Chính vì sự quản “không giống ai” này, mà tra danh mục thì có tên sản phẩm phân bón nhưng không biết sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao (?!).

Năm 2011, cơ quan chức năng kiểm tra 18 đơn vị sản xuất và 7 đơn vị kinh doanh, lấy 100 mẫu. Kết quả, tỷ lệ mẫu không đạt so với công bố áp dụng là 46,7% về hàm lượng hữu cơ; 46,6% về hàm lượng đạm tổng số...

Ông Trương Hợp Tác cũng thừa nhận: Việc quản lý phân bón theo danh mục như hiện nay vừa tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được truy suất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Ông chứng minh: Cũng vì cái danh mục này mà có tới 19 thông tư được ban hành, với 5.000 loại sản phẩm phân bón. “Nói thật đến người quản lý như chúng tôi còn không tra nổi, nói gì tới doanh nghiệp, nông dân”-ông Tác than thở. Chưa kể, vào được danh mục này, sản phẩm phân bón phải mất 1,5 năm từ khi sản xuất mới ra được thị trường, khiến nhà sản xuất cũng “oải”.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc cần quản lý chất lượng phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo quản được từ gốc đến ngọn. Ông Tác cho biết, Bộ NNPTNT đã xây dựng và ban hành 33 quy chuẩn và đang hoàn thiện gần 50 quy chuẩn, và 2 tiêu chuẩn với phân bón hữu cơ, chỉ chờ nghị định phân bón ra đời là ban hành luôn. Bộ NNPTNT cũng cho biết sẽ bãi bỏ 13 thủ tục hành chính về khảo nghiệm, công nhận, lập Danh mục phân bón nêu trên. Thay vào đó, sẽ tiến tới xã hội hóa công tác khảo nghiệm; tiến tới nhà sản xuất tự khảo nghiệm và chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem