Quảng Bình đầu tư đường điện ngầm xuyên rừng quốc gia cấp điện cho 700 hộ dân biên giới
Chiều 30/6, trao đổi với một số cơ quan báo chí, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình), ông Hoàng Hiếu Trung cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình vừa khởi động dự án cấp điện lưới cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là 2 xã cuối cùng của tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, đây là 2 xã thuộc vùng sâu, vùng biên giới.
Ông Trung cho biết, lâu nay 2 xã vùng biên giới này dùng nguồn năng lượng điện mặt trời. Tuy nhiên, với dân số khoảng 700 hộ, điện mặt trời chỉ cung cấp nhu cầu sử dụng cho mỗi hộ cỡ 1 cái quạt và 2 bóng đèn.
Với nhu cầu thiết yếu của người dân, UBND tỉnh Quảng Bình dự kiến sẽ bố trí tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 110 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Dự án này có quy mô khoảng 52km đường dây trung áp (trong đó đường dây đi ngầm khoảng 20km, đường dây đi trên không khoảng 32km) và khoảng 11km đường dây hạ áp, 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4 kV-50 kVA và 3 trạm biến áp có công suất 22/0,4 kV-100 kVA.
Còn ông Trần Xuân Công - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh PC Quảng Bình thông tin thêm, trong những năm qua, PC Quảng Bình luôn quan tâm và chú trọng việc cung cấp điện đầy đủ, an toàn và ổn định cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa làm động lực xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 149/151 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với hơn 99,83 % số hộ dân được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia.
Về việc 2 xã biên giới cuối cùng đến nay vẫn chưa có điện lưới, ông Công cho hay, vào năm 2014, trên cơ sở các nội dung phê duyệt của Chính phủ và ý kiến của các bộ liên quan, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cho phép đầu tư điện lưới tại một số vùng đã nằm trong Dự án điện mặt trời nhằm bảo đảm các điều kiện phát triển sản xuất cho bà con.
Tuy nhiên tại thời điểm đó, việc triển khai dự án điện lưới gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, việc thi công qua địa phận Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) là bất khả thi. Do đó, đường dây có 20km đi qua vùng lõi Rừng quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nên sẽ đầu tư đi ngầm chung với hạ tầng đường để hạn chế ảnh hưởng đến rừng.