Quảng Bình: Năm “nhà” bàn cách phát triển nông nghiệp CNC

Nhóm PV Thứ năm, ngày 26/09/2019 14:00 PM (GMT+7)
Trực tuyến “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao” do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình thu hút 5 "nhà".
Bình luận 0

Trực tuyến “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra từ lúc 14h ngày 26/9 tại thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) thu hút 5 "nhà": chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Tham gia trực tuyến “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao” có ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, ông Mai Văn Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo nhiều sở ngành của tỉnh như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ...

Khách mời trả lời trực tuyến có TS Lê Văn Tri - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Sinh học Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Bio Group, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC; lãnh đạo hội nông dân các huyện, thị thuộc Quảng Bình và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 2

Sâm Bố Chính của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch, tính toán và đã triển khai những phần việc gì để giúp nông dân thích ứng, đón đầu thành công xu hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao?

Thứ nhất, Thường trực, Ban Thường vụ HND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu về vai trò, sự cần thiết phải sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hang hóa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ hai, chú trọng phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 4

Ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình.

Thứ tư, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân và phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; vận động nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể.

Thứ năm, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa ông Mai Văn Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, ông cho biết một số kết quả, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình?

Theo kết quả tổng hợp bước đầu thì toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 26 cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, trong đó nhiều nhất là trên lĩnh vực trồng trọt với 18 cơ sở, chăn nuôi 3, thủy sản 3, lâm nghiệp và chế biến gỗ 2 cơ sở. Riêng năm 2019, từ nguồn kinh phí chính sách nông nghiệp, Sở NNPTNT đã hỗ trợ xây dựng 6 nhà màng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để sản xuất rau quả an toàn.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 6

Ông Mai Văn Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình

Điểm nổi bật là đã có khá nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm quản lý đã và đang đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đa số các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thu nhập và hiệu quả trên một đơn vị diện tích cao hơn hẳn so với sản xuất truyền thống.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa Tiến sĩ Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC, với Quảng Bình, đâu là thuận lợi và đâu là thách thức cho nông nghiệp, thưa ông?

Quảng Bình có nhiều tiềm năng, dân số 900.000 người, diện tích tự nhiên đủ rộng, bờ biển dài, là tỉnh có trữ lượng gỗ cao so với cả nước. Nền nông nghiệp chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao và đạt được nhiều thành tựu tích cực.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 8

TS Trần Duy Khanh trả lời tại Trực tuyến.

Tuy nhiên, theo tôi, hạn chế của sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Bình là sản xuất còn nhỏ lẻ, chuyển đổi cơ cấu hiệu quả mang lại chưa cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn, công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa bền vững; năng suất, chất lượng rừng còn thấp, sản phẩm gỗ nhỏ; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế.

Đặc biệt, công nghệ thu hoạch, bảo quản, cơ sở chế biến nông lâm sản còn ít, quy mô nhỏ. Hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường cũng chưa thật mạnh.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa ông Mai Văn Minh, dự tọa đàm ngày hôm nay của chúng ta có nhiều doanh nghiệp, đại diện cộng đồng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, vậy xin hỏi ông, nông nghiệp công nghệ cao Quảng Bình phù hợp với sản phẩm nông sản gì?

Đa số các loại nông sản hàng hóa ở Quảng Bình đều có thể sản xuất bằng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phù hợp nhất là các loại sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như rau quả an toàn, giống cây trồng vật nuôi cao sản, các sản phẩm chế biến sâu có gia trị gia tăng cao…

"Quảng Bình ưu tiên trong việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án" - ông Mai Văn Minh - Phó Gíam đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình.

Còn Tiến sĩ Lê Văn Tri thì nghĩ sao thưa ông?

Theo tôi, dù đã có khá nhiều thành tựu nhưng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế đó là số cơ sở sản xuất chưa nhiều, chưa đa dạng chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt; chưa có quy hoạch vùng, khu sản xuất tập trung gây khó khăn trong việc liên kết và đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít, chưa đa dạng về chủng loại chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu đại trà.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 10

TS Lê Văn Tri.

Tập đoàn Bio Group chúng tôi đã đầu tư vào nhiều dự án tại tỉnh Quảng Bình: Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và tinh dầu sả tại Công ty Cổ phần Lệ Ninh; xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR từ năm 2013 cùng với Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Quảng Bình.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa ông Lê Công Toán, trên địa bàn Quảng Bình có những mô hình, dự án nào là điểm sáng?

Mặc dù mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Bình chưa nhiều, chưa mạnh so với nhiều tỉnh thành nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số mô hình ứng dụng tôi cho là rất ấn tượng đó là Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm hoạt động trên lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu với phương thức áp dụng CNC tạo ra những sản phẩm dược liệu có chất lượng, an toàn và có giá thành hợp lý. Sản phẩm chính của Tuệ Lâm là sâm Bố Chính, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết ở Quảng Bình, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp theo là Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam. Đây là công ty đầu tư trong lĩnh vực kinh tế môi trường, đặc biệt tập trung trong lĩnh vực xử lý rác thải và năng lượng xanh. Sản xuất phân bón khoáng hữu cơ; trồng rau, quả ứng dụng CNC… rất ấn tượng.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 12

Ông Lê Công Toán - Chủ tịch HND tỉnh Quảng Bình

Ông Lê Xuân Tế - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng: Doanh nghiệp chúng tôi ban đầu không làm nông nghiệp nhưng khi đi mua thực phẩm cảm giác không an toàn đã khiến chúng tôi quyết định làm nông nghiệp hữu cơ. Theo chúng tôi, làm ra thực phẩm sạch chính là tạo nên gía trị nhân văn và chất lượng sống cho người lao động, những công nhân của chúng tôi.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 13

Doanh nhân Lê Xuân Tế.

Tôi có thêm chia sẻ thế này, Quảng Bình khí hậu khắc nghiệt, khô hạn nên công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nguồn nước là cần thiết, nhưng ở những nơi khác có thể không cần nhưng với Quảng Bình rất cần thiết.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa TS Trần Duy Khanh, theo ông, Quảng Bình có thể tập trung ứng dụng công nghệ cao vào những nội dung nào?

Quảng Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với phát triển công nghiệp, dịch vụ, Quảng Bình cần chú ý khai thác phát huy, đi lên từ chính điều kiện đặc thù của mình, phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với chế biến, tìm đầu ra để xuất khẩu.  

Về thủy sản, theo tôi, đây là lĩnh vực rất quan trọng, cần tái cơ cấu thủy sản, phát triển khai thác vùng biển xa theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển hỗ trợ nhau trong sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị, bảo vệ chủ quyền biển đảo; chuyển đổi mạnh cơ cấu tàu cá theo hướng tăng mạnh tàu cá xa bờ, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản với các đối tượng có hiệu quả cao, chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú... phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình nuôi bền vững, nuôi an toàn sinh học, nuôi theo hướng VietGAP đa dạng...

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Bà Nguyễn Thị Lân - Công ty TNHH Giống Cây trồng Nông lâm nghiệp Nam Việt: Chúng tôi tìm hiểu về công nghệ cao và trong lĩnh vực của chúng tôi, công nghệ cao không phải chỉ về nhà màng mà mấu chốt là đầu tư vào con người. Nam Việt là là doanh nghiệp đi đầu trong việc nhân rộng cây keo bằng nuôi cấy mô để cung cấp cho chương trình trồng rừng trên toàn tỉnh. Trực tuyến ngày hôm nay rất hữu ích, giúp chúng tôi gặp gỡ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp bạn trong đoàn kết nối của báo NTNN/Dân Việt.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 16

Bà Nguyễn Thị Lân - Phó Giám đốc Công ty Nam Việt.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa TS Lê Văn Tri, để trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp CNC, tỉnh Quảng Bình cần chuẩn bị những điều kiện cần và đủ gì, thưa ông?

Theo tôi, thứ nhất, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổng kết đánh giá các mô hình đã triển khai làm căn cứ thực tiễn để đề xuất những giải pháp đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, cải cách các chính sách tín dụng trong nông nghiệp thông thoáng hơn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, cải cách môi trường đầu tư có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ ba, lựa chọn đúng sản phẩm thế mạnh của địa phương, áp dụng các quy trình và công nghệ thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ, khó áp dụng, rủi ro cao.

Thứ tư, cần có các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, đẩy mạnh tăng cường sự liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà ngân hàng trong sản xuất nông nghiệp CNC.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên thị trường trong và ngoài nước.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch Công ty JV System: Tôi rất đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học trong trực tuyến hôm nay. Canh tác nông nghiệp theo hướng này cần tập trung vào xử lý đất, chọn giống và lựa chọn những giống cây phù hợp nhất. Trong một dự án gần đây, chúng tôi mất cả 1 năm trời để cải tạo đất, sau đó băm cỏ và phơi đất rồi trồng thử và sau 2 năm mới trồng chính thức. Và chúng tôi hoàn toàn sử dụng phân vi sinh. 

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 19

Ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch JV System.

Với sự quyết tâm cao, vào cuộc và đầu tư bài bản, nghiêm túc của các công ty, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một ngày nào đó không chỉ tỉnh Quảng Bình mà đất nước ta sẽ trở thành quốc gia mạnh về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Thưa ông Mai Văn Minh, xin hỏi ông, trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư về nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Bình tại trực tuyến hôm nay, ngành nông nghiệp Quảng Bình có cam kết gì?

Hiện nay, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Phát nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có đề xuất một số chính sách như: UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định về quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để có cơ sở cho việc thực hiện thuận lợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đúng đối tượng và phát huy tốt hiệu quả.

Đối với các dự án đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần ưu tiên cho hưởng các chính sách theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các quy định có liên quan khác của nhà nước. Cụ thể là được miễn, giảm tiền sử dụng đất, được miễn, giảm tìền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; được hỗ trợ để tập trung đất đai; hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng CNC; Được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Được hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp…

Quảng Bình ưu tiên trong việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nông nghiệp CNC; làm tốt công tác cải cách hành chính tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Tỉnh đề nghị các ngân hàng ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nông nghiệp CNC được tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện dự án.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 1

Ông Mai Văn Minh: Tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Quảng Bình rất lớn. UBND tỉnh cùng các ngành có liên quan đang rất quan tâm và tạo mọi đều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Quảng Bình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

img imgquang binh: nam “nha” ban cach phat trien nong nghiep cnc hinh anh 22

Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Công ty Ba Huân.

Công ty Ba Huân quan tâm tới Quảng Bình

Trong thời gian trực tuyến, ban tổ chức nhận được điện thoại từ bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ba Huân TP. Hồ Chí Minh. Bà bày tỏ sự vui mừng với việc tỉnh Quảng Bình quan tâm về nông nghiệp công nghệ cao.

“Công ty Ba Huân gắn bó với nông nghiệp và nông dân gần 50 năm nay. Trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, không chỉ ở các đô thị lớn mà các vùng xa cũng cần phải làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Quảng Bình là vùng đất đang có tiềm năng phát triển về du lịch, được nhiều người từ các nước, vùng lãnh thổ đến khám phá hang động, khám phá xứ sở gió Lào… Nếu có những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hi vọng không chỉ là nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân địa phương mà còn có thể giới thiệu với du khách những sản vật của Quảng Bình sạch, ngon, ấn tượng.

Trước mắt, Công ty Ba Huân muốn giới thiệu những sản phẩm của mình đến với vùng đất Quảng Bình, hi vọng sẽ có một sự kết nối tốt đẹp để mở ra triển vọng hợp tác về đầu tư trong thời gian gần nhất" - bà Ba Huân.

Trực tuyến "Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao" nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả. Vì thời lượng có hạn, trực tuyến kết thúc lúc 16h.

Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn UBND tỉnh Quảng Bình, các sở, ngành: Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, Sở NNPTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường...tỉnh Quảng Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem