Quảng Nam: Cty bán máy xét nghiệm bất ngờ đề xuất giảm còn 4,8 tỷ vì... cái tình

Trương Hồng Thứ tư, ngày 29/04/2020 18:00 PM (GMT+7)
Ngày 29/4, tại cuộc họp thông tin về công tác mua sắm Hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động có giá 7,2 tỷ đồng tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu làm rõ vì sao mua máy xét nghiệm Covid-19 có giá 7,2 tỷ đồng? Có cao hơn với giá thị trường và có tiêu cực hay không?...
Bình luận 0

Theo ông Thanh, qua đề xuất của Sở Y tế, Sở Tài chính cả về loại máy, giá cả, từ đó, UBND tỉnh mới có quyết định thống nhất việc mua sắm máy. UBND tỉnh chỉ thống nhất việc đầu tư mua máy, chứ tỉnh không thống nhất cho việc mua máy từ doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.

img

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu làm rõ có tiêu cực hay không trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19.

“Sau khi được UBND tỉnh quyết định bố trí vốn, Sở Y tế tỉnh đã đàm phán với đơn vị cung ứng máy (Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt) từ 7,56 tỷ xuống còn 7,2 tỷ đồng. Nhưng ở đây, dư luận quan tâm là việc mua máy giá cao hơn với các địa phương khác, mức giá đó có đúng và nếu đúng là đúng chỗ nào, chưa là chưa chỗ nào? Đặc biệt, việc mua máy này có tiêu cực hay không, cần làm rõ”, ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh thêm tại cuộc họp này, UBND tỉnh có mời Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (gọi tắt là Công ty Giải Pháp Việt) tham dự.

“Tôi đề nghị đơn vị cung ứng máy giải thích rõ vì sao lại có cái giá 7,23 tỷ đồng? Cần phải nói rõ, nói thẳng cho nhân dân được biết, không nên giấu giếm…”, ông Thanh nhấn mạnh.

img

Máy xét nghiệm Covid-19 được Sở Y tế tỉnh Quảng Nam mua với giá 7,2 tỷ đồng. Ảnh: Báo Quảng Nam

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam báo cáo, việc mua máy xét nghiệm Covid-19 là đúng quy trình, đúng thủ tục. Mục đích mua máy nhằm phát huy hiệu quả ngay giữa mùa dịch Covid-19 đang căng thẳng. “Máy này không những sử dụng riêng cho xét nghiệm Covid-19, mà có có rất nhiều chức năng, như xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan A…. Mục đích mua máy này là sử dụng hiệu quả lâu dài”, ông Hai nói.

Cũng theo ông Hai, khi Sở Y tế khảo sát giá cả và công bố mời thầu, có đến 3 đơn vị cung ứng máy báo giá, có 2 đơn vị báo giá hơn 9 tỷ đồng, trong đó có Công ty Giải Pháp Việt báo giá 7,56 tỷ đồng. Trước khi mua máy, sở cũng đã khảo sát các đơn vị từng mua và cũng có giá tương đương, nên việc mua máy xét nghiệm Covid-19 với giá cả vậy là hợp lý. “Tôi là người thực hiện. Nếu có lỗi trong việc này, tôi sẽ nhận trách nhiệm…”, ông Hai phân trần.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hai có đề xuất Công ty Giải Pháp Việt có thể nhận lại máy hay không(?), vì máy này còn trong thời gian bảo hành. 

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi trình UBND tỉnh mua máy, sở đã có khảo sát giá của một số đơn vị cung ứng máy, nhưng Công ty Giải Pháp Việt có giá bán thấp nhất nên sở đã quyết định trình UBND tỉnh với giá 7,56 tỷ đồng. “Loại máy xét nghiệm Covid-19 mà Sở Y tế tỉnh mua là loại máy đặc thù, đã đặc thù thì không có bán đại trà trên thị trường”, ông Chín nói.

Cũng theo ông Phan Văn Chín, sở đã kiểm tra nguồn ngân sách, phát hiện Sở Y tế tỉnh chưa thanh toán, thanh lý hợp đồng với đơn vị cung ứng máy. “Như vậy, nếu nói xảy ra thất thoát ngân sách thì chưa xảy ra. Nói chung, Sở Tài chính tham mưu đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh và theo đúng luật đấu thầu”, ông Chín khẳng định.

Đại diện Công ty Giải Pháp Việt cho biết, vào thời điểm bán máy, chính bên đơn vị nhập khẩu máy (đơn vị chính cung cấp máy cho Công ty Giải Pháp Việt - PV) cũng không cung cấp cụ thể giá đầu vào cho công ty, nên đơn vị chỉ kháo sát giá từ các đơn vị khác và bán theo đúng giá thị trường, không tự ý nâng giá.  

“Về việc lãi suất bao nhiêu trong việc bán máy, sau khi trừ các loại thuế, đơn vị chỉ còn lợi nhuận là 14,5%, khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tại cuộc họp này, đơn vị chủ động đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,853 tỷ đồng, mục đích cũng vì "cái tình” và lợi nhuận của công ty sẽ còn 0%. Việc này cũng nhằm chung tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn...", đại diện Công ty Giải Pháp Việt nói.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kết luận: Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh thanh tra đột xuất gói thầu mua máy xét nghiệm Covid-19 này và sau đó sẽ thanh tra toàn diện các gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ cho phòng, chống dịch.

"Việc này phải minh bạch và tôi yêu cầu thanh tra phải báo cáo kết quả vào ngày 20/5. Trong quá trình thanh tra, tôi yêu cầu Sở Y tế chưa thanh toán, thanh lý hợp đồng cho công ty bán máy là Công ty Giải Pháp Việt, nếu trong quá trình thanh tra, pháp hiện có dấu hiệu vi phạm thì chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra", ông Thanh nhấn mạnh.

Như Dân Việt đã thông tin, trước quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế tỉnh đã mua chiếc máy xét nghiệm Realtime PCR (loại máy giúp xét nghiệm sinh học phân tử, phát hiện Covid-19) với giá 7,2 tỷ đồng, được cho là cao hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Sau khi Sở Y tế tỉnh mua máy, ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã đưa hệ thống máy trên vào vận hành. Đây là hệ thống máy xét nghiệm tách, chiết tự động máy đọc RT-PCR… giúp xét nghiệm sinh học phân tử, phát hiện Covid-19 (SARS-CoV-2) nhanh chóng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, thực hiện các văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo hậu cần phòng chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương, dự toán và kế hoạch mua sắm cho 18 trung tâm y tế tuyến huyện, Bệnh viện đa khoa TP.Hội An và 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh những trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác giám sát phòng, chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cấp cứu tại chỗ, vận chuyển bệnh nhân, điều trị và hồi sức tại các bệnh viện như: Máy quét thân nhiệt tự động, máy thở chức năng cao, máy thở xách tay, máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO, hệ thống X-quang di động, hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế các loại... với tổng kinh phí 62,880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Hôm qua (28/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong vấn đề mua các thiết bị y tế, nếu phát hiện tiêu cực, tham nhũng phải chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.

Trước đó, CDC TP.Hà Nội đã mua hệ thống máy xét nghiệm tương tự với giá 7 tỷ đồng, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 4 tỷ đồng.

Công an đã khởi tố 7 người về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại CDC Hà Hội và các đơn vị liên quan để điều tra.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem