Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ hai, ngày 27/05/2024 07:47 AM (GMT+7)
Xác định kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác củng cố, phát triển bền vững.
Bình luận 0

Đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên kết

Trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới....

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 1.

Vùng sản xuất gạo an toàn theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: T.N.

Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: "Ước tính đến năm 2023, Quảng Nam có 507 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 80 hợp tác xã ngừng hoạt động; 91.800 thành viên; doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng, lãi bình quân hàng năm khoảng 120 triệu đồng/hợp tác xã, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 40 triệu đồng/năm.

Tỉnh có 1 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với 4 hợp tác xã thành viên, doanh thu ước đạt 600 triệu đồng/năm. Ước đến cuối năm 2023 có khoảng 470 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu ước đạt 600 triệu đồng/tổ hợp tác".

Ông Noa cho hay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế tập thể; các hợp tác xã thường xuyên được kiện toàn, củng cố phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả với phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị để gia tăng thu nhập, ứng dụng công nghệ cao.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 2.

Mô hình sản xuất bánh tráng cuốn Đại Lộc của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa. Ảnh: T.N.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 3.

Điển hình như: Hợp tác xã nông nghiệp xã Quế Phú (huyện Quế Sơn) sản xuất 100ha lúa thuần ĐT100, cho lãi 23,5 triệu đồng/ha/vụ; Hợp tác xã nông nghiệp Điện Hồng 2 (thị xã Điện Bàn) sản xuất 70ha giống lúa thuần (Thiên ưu 8, Hà Phát 3…) cho lãi 29,6 triệu đồng/ha/vụ; Hợp tác xã nông nghiệp Sản xuất chế biến và tiêu thụ Nấm Nhì Tây (huyện Hiệp Đức) liên kết sản xuất và tiêu thụ 50.000 bịch phôi nấm/vụ 6 tháng, trung bình mỗi hộ thu nhập 6 triệu đồng/tháng....

Các hợp tác xã ngày càng linh hoạt, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ước đến cuối năm tỉnh Quảng Nam có khoảng 310 hợp tác xã nông nghiệp tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 86 hợp tác xã là chủ thể của 87 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3-4 sao; 80 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 4.

Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm Gạo an toàn Ái Nghĩa được chứng nhận đạt 3 sao và Bánh tráng Đại Lộc đạt 4 sao. Ảnh: T.N.

Tuy tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác so với toàn tỉnh rất nhỏ, nhưng đã cơ bản phát huy được vai trò giúp kinh tế hộ phát triển, giúp chính quyền cấp xã, huyện trong việc tổ chức sản xuất, liên kết, phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực.

Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Cảm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới, Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa đã có nhiều nỗ lực trong công tác nâng cao năng lực bộ máy quản lý, phát huy quyền bình đẳng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đặc biết, hợp tác xã đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm tạo chuỗi giá trị giúp người dân nâng cao thu nhập".

Định hướng phát triển kinh tế tập thể bền vững

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương; triển khai tích cực các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn 1463/UBD-KTN ngày 16/3/2023 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp năm 2023.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 5.

Phát huy vai trò “bà đỡ”, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích cực tiếp sức cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.H.

Đặc biệt, chú trọng đến vai trò quản lý chuyên ngành của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế cấp huyện trong quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn vị triển khai chính sách hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện cho các hợp tác xã có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về xử lý các hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện và làm lĩnh vực kinh tế tập thể trở nên lành mạnh hơn.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 6.

Sản phẩm khoai chà của Hợp tác xã An Xuân Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: T.H.

Tỉnh Quảng Nam có định hướng chung phát triển kinh tế tập thể phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, thực tiễn của mỗi địa phương, gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, Quảng Nam có 510 hợp tác xã nông nghiệp, 93.000 thành viên, 60% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; mỗi cấp huyện xây dựng ít nhất 1 mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả; 20% hợp tác xã nông nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ cao; 100 hợp tác xã tham gia chương trình OCOP.

Quảng Nam: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm- Ảnh 7.

Các hợp tác xã tại Quảng Nam là các chủ thể tiên phong tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Ảnh: T.H.

"Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong cán bộ quản lý và nhân dân; lồng ghép tốt các nguồn lực, chương trình, dự án để định hướng, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển gia tăng giá trị và sản xuất bền vững; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...", ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem