Quảng Nam: Trồng sen trên đất bỏ hoang, nông dân “rủng rỉnh” thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Trần Hậu - Tuyết Lê Chủ nhật, ngày 27/06/2021 06:01 AM (GMT+7)
Những năm qua, hàng trăm hộ nông dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư trồng sen lấy hạt trên những vùng đất bỏ hoang, ruộng lúa kém hiệu quả. Nhờ đó, đã giúp nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng sen.
Bình luận 0

Thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng sen

Những ngày này đến với các xã của huyện Duy Xuyên, nơi được xem là "thủ phủ" trồng sen của tỉnh Quảng Nam, mới cảm nhận được không khí hối hả của người dân nơi đây, khi vụ thu hoạch sen năm nay vừa được mùa lại được giá.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Nhờ trồng sen đã giúp cho nhiều nông dân huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Lê - Hậu.

Dọc 2 bên đường từ xã Duy Sơn qua Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam những cánh đồng sen trải dài đang kỳ thu hoạch toả hương thơm ngát không chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan, chụp ảnh mà còn là nơi "hái ra tiền" của bà con nông dân nơi đây.

Bà Lê Thị Tám, ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn là người tiên phong đưa cây sen về trồng trên đất Duy Sơn. 

Bà Tám cho biết, trước đây, trên vùng đất này gia đình bà trồng lúa hiệu quả thấp, từ ngày chuyển sang trồng sen, bà Tám trở thành hộ khá giả tại địa phương. Vụ sen năm nay, gia đình bà Tám trồng 5ha, trừ chi phí, bà Tám còn lãi hơn 250 triệu đồng.

"Cây sen có thể trồng một năm 2 vụ, xuống giống từ tháng Giêng trở đi. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 4 tháng, trồng sen này so với cây lúa thì lãi nhiều hơn. Nhờ trồng sen, cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn trước, có tiền lo cho con ăn học. Năm nay sen được mùa...", bà Lê Thị Tám chia sẻ.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Vụ trồng sen năm nay bà Tám dự tính lãi khoảng hơn 250 triệu đồng. Ảnh: Hậu - Lê.

Ông Nguyễn Phước Minh, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên cho biết, cây sen dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc. Bà con ở địa phương nhờ trồng sen có cuộc sống sung túc hơn. Hiện tại, hạt sen chưa qua sơ chế có giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg.

Cây sen không chỉ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người già, trẻ em tại địa phương. 

Tiền công bóc hạt sen khoảng 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một người có thể bóc được 30kg cũng kiếm được 500.000 – 600.000 đồng. Hạt sen được các tổ hợp tác xã, thương lái thu mua tận nhà để phân phối đi các nơi.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 500 hộ dân trồng sen, chủ yếu tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn... Ảnh: Hậu - Lê

Ông Minh cho biết thêm, hiện xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ sen, nông dân yên tâm sản xuất. Thu hoạch hạt sen xong, sơ chế tại địa phương, còn một phần bán ra thị trường ngoài, giá trị cũng tương đối cao.

Khi vào mùa sen trổ, đông đảo du khách lại tìm đến địa phương để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của cánh đồng sen bạt ngàn. Nhờ chuyển đổi sang trồng sen, mà nhiều hộ dân có kinh tế khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thôn Phú Nham Tây và Chánh Lộc của xã Duy Sơn đã thoát nghèo.

Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng sen

Không riêng xã Duy Sơn mà phần lớn diện tích đất trồng lúa nằm gần chân núi thuộc các xã Duy Trinh, Duy Hoà, Duy Phú đều chuyển sang trồng sen. 

Những cánh đồng này thường thiếu nước tưới, hay bị nhiễm phèn nên lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen cho hiệu quả kinh tế, bà con đã nhân rộng mô hình trồng sen. 

Đến thời điểm này, huyện Duy Xuyên đã mở rộng diện tích trồng sen lên hơn 100ha, nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Tiền công bóc hạt sen khoảng 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một người có thể bóc được 30kg cũng kiếm được 500.000 – 600.000 đồng. Ảnh: Lê - Hậu.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, cây sen không những mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa tới tham quan du lịch.

"Gần đây nguồn lợi thu từ cây sen trên một đơn vị diện tích hiệu quả gấp 3 đến 4 lần so với làm lúa. Diện tích trồng sen ngày một tăng cao. Đặc biệt những vùng sâu, vùng xa như vùng núi giúp cho người dân tăng thu nhập cũng là giải pháp thoát nghèo và làm giàu", ông Cảnh cho biết thêm.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Nguồn lợi thu từ cây sen trên một đơn vị diện tích hiệu quả gấp 3 đến 4 lần so với làm lúa. Ảnh: Lê - Hậu.

Trong khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có thể thấy, mô hình trồng sen trên vùng trũng thấp, vùng đất lúa kém hiệu quả là hướng đi đúng của người dân tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có khoảng 500 hộ dân trồng sen tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn.... Nhờ mô hình trồng cây sen, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Sản phẩm sen sấy khô Trà Lý đã được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Lê - Hậu.

Địa phương cũng luôn đồng hành với người dân trong việc hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn tín chấp của Ngân hàng Agribank, đồng thời cung ứng các loại phân bón cho cây sen…. Ngoài ra, Hội còn đứng ra kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm.

Quảng Nam: Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, nông dân “rủng rỉnh” thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 8.

Trồng sen gắn với du lịch sinh thái sẽ được Quảng Nam nhân rộng trong thời gian tới. Ảnh: Lê - Hậu.

"Hiện nay đang vào vụ thu hoạch sen, năng suất sen năm nay được mùa, người nông dân rất phấn khởi. Trước đây người dân làm lúa, nuôi cá, năng suất bấp bênh thì hiện nay cây sen đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Nhiều hộ đổi đời từ nghề trồng sen. Các cấp Hội nông dân khuyến khích động viên bà con nông dân chuyển đổi sang trồng sen trên những vùng đất phù hợp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập…", ông Út cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem