Quảng Ngãi: Được vốn ưu đãi tiếp sức, nhiều hộ dân phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Nhiều mô hình thu nhập trăm triệu mỗi năm
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH Quảng Ngãi tiếp sức, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giải quyết việc làm... Nhờ đó, các hộ dân này đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu.
"Có thể kể một số mô hình vay vốn làm kinh tế hiệu quả và tạo sức lan tỏa lớn tại địa phương, điển hình như: Hộ bà Đào Thị Vân, ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông phát triển mô hình ươm cây keo từ nguồn vốn vay của HNCSXH huyện Sơn Tịnh từ mức vay 50 triệu đồng. Đến nay, vườn ươm của gia đình bà Vân có diện tích hơn 10.000 mét vuông, với khoảng 40 nghìn cây giống/kỳ, đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ ở địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 15 lao động. Mỗi năm, vườn ươm keo giâm hom của gia đình bà Vân đem lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng…" – Bà Linh phấn khởi nói.
Ông Lê Công Từ Duy, ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Sơn Tịnh, gia đình đã đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi. Đến nay, đàn dúi đã hơn 500 con. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Dúi con sau khi nuôi từ 2 - 3 tháng là có thể bán làm con giống. Đối với dúi nuôi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg. Với giá bán từ 430 - 470 nghìn đồng/kg dúi thương phẩm, 1 triệu đồng/cặp dúi giống, nuôi dúi đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Đặc bệt, tại các xã miền núi, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã được nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận để cải tạo vườn, ao, trồng cây ăn quả…Nhờ đó, thu nhập được cải thiện đáng kể và góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tiêu biểu như hộ ông Đinh Văn Xuân, dân tộc Hre, tại thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hanh, vay vốn chương trình hộ cận nghèo 100 triệu đồng để cải tạo vườn phát triển cây ăn quả và nuôi cá. Nhờ tận dụng nguồn vốn hiệu quả nên mỗi năm thu nhập khá ổn định.
Vốn giải quyết việc làm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả
Theo bà Linh, hiệu quả lớn nhất phải kể đến việc cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, như hộ ông Nguyễn Hữu Hai, thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Ngĩa Hành, vay vốn 100 triệu đồng để phát triển mô hình làm đũa, thu hút hơn 10 lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/ người/tháng.
Hay như như gia đình bà Châu Thị Dạ Thẩm, trú ở Tổ 3, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi vay dự án hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 50 triệu đồng để thực hiện dự án vay làm kẹo gương, dự án giúp cho 03 lao động có việc làm ổn định; Hộ ông Huỳnh Sang ở tổ 3, phường Nguyễn Nghiêm - TX Đức Phổ, vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng, thực hiện dự án sản xuất tinh bột nghệ. Nhờ nguồn vốn này, ông Sang đã mở rộng cơ sở sản xuất tinh bột nghệ, giải quyết hàng chục lao động tại địa phương và sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
"Cũng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, hàng trăm hộ trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn, như gia đình bà Phạm Thị Hồng Thắm - Thạch By 1- Phổ Thạnh - TX Đức Phổ, vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng, đầu tư sản xuất muối ăn, sản phẩm đạt OCOP 4 sao; Hay như hộ bà Nguyễn Thị Hương, thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong, TX Đức Phổ, vay hộ cận nghèo 100 triệu đồng, để trồng 14 ha cây keo,…" – Bà Linh phấn khởi cho biết.