Quảng Ninh: Khó phát triển hay quản lý yếu kém dự án trồng rừng ngập mặn?

Hải Long Thứ tư, ngày 04/12/2019 16:06 PM (GMT+7)
Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh không mặn mà với các dự án trồng rừng ngập mặn thay thế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh cũng gặp không ít khó khăn trong giải ngân vốn.
Bình luận 0

Mới đây nhất là vụ việc 22ha rừng ngập mặn trồng thay thế trên địa bàn xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái bị chết 100%. Ngay sau vụ việc xảy ra, chính quyền TP.Móng Cái đã lập biên bản và báo cáo vụ việc về UBND tỉnh Quảng Ninh. TP.Móng Cái cũng có văn bản đề nghị cho nhà thầu gia hạn thời gian để trồng lại diện tích rừng đã chết này. Tuy nhiên sau đó, nhà thầu đã trả lời không thể trồng lại được diện tích 22ha rừng ngập mặn đã chết và trả lại 1,864 tỷ đồng kinh phí đã ứng về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, cho biết năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP.Móng Cái làm Chủ đầu tư thực hiện trồng 22ha rừng ngập mặn tại khoảnh 2 và khoảnh 5, tiểu khu 356 thuộc xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái.

UBND TP.Móng Cái giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đại diện Chủ đầu tư để chỉ đạo thực hiện và thi công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo quy định.

Chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế điều tra hiện trường rừng, lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật – Tổng dự toán và dự toán kinh phí hằng năm để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng 4 năm (giai đoạn 2017 – 2020) trình Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh thẩm định, phê duyệt.

img

22ha rừng ngập mặn trồng thay thế bị chết, doanh nghiệp trồng rừng phải vay tiền để trả lại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi Hồ sơ được phê duyệt, đơn vị thi công đã tiến hành trồng đủ diện tích 22ha rừng ngập mặn theo đúng Hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, đồng thời Chủ đầu tư thực hiện nghiệm thu theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT.

Tuy nhiên, đến ngày 20/3/2018, Chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra diện tích rừng trồng trên, phát hiện cây trồng bị khô héo, rụng lá, thối rễ và chết hàng loạt, vẫn còn nguyên cây và cọc giữ lại hiện trường.

“Khi trồng xong không lâu, chúng tôi đã đến tận nơi kiểm tra. Ở thời điểm đó, cây đã lên lá non. Tuy nhiên sau đó 22ha rừng mới trồng đã chết 100%, chúng tôi cũng xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây trồng bị chết, trong đó có nguyên nhân do thời thiết không thuận lợi, rét đậm và sương muối dẫn đến cây trồng chết hàng loạt. Đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị thi công bố trí nhân lực và cây giống trồng lại toàn bộ diện tích rừng ngập mặn trên theo quy định. Tuy nhiên, sau đó có thể do khó khăn về việc triển khai nên nhà thầu đã phải vay tiền để hoàn lại số kinh phí đã được ứng trước”, ông Bông cho biết.

img

Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở huyện Đầm Hà bị lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, không chỉ có dự án này mà nhiều dự án trồng rừng ngập mặn thay thế khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do hiện tại những diện tích thuận lợi cho việc trồng rừng ngập mặn thay thế không nhiều. Đơn cử như năm 2016 là năm Quảng Ninh có nhiều dự án chuyển đổi đất rừng ngập mặn, khi Sở gửi văn bản đề nghị các địa phương rà soát xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2017 cũng chỉ có 3, 4 huyện thị đăng ký.

“Trồng rừng trên cạn dù kinh phí ít nhưng rủi ro thấp nên nhiều doanh nghiệp trồng rừng xin được làm, còn trồng rừng ngập mặn dù kinh phí cao nhưng rủi ro cũng rất cao nên không chỉ địa phương mà các doanh nghiệp được thuê trồng cũng không mặn mà. Để trồng rừng ngập mặn thành công thì khu vực được chọn để trồng phải có điều kiện môi trường thuận lợi cho giống cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển.

Thực tế, diện tích trồng rừng chủ yếu là rừng phòng hộ ở khu vực giao thông khó khăn, diện tích manh mún. Mặt khác, đơn giá trồng rừng ngập mặn theo quy định thấp so với chi phí thực tế, song so với chi phí trồng rừng trên cạn lại quá cao (khoảng 246 triệu đồng/ha, cao hơn 6 lần). Đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp phải thực hiện trồng rừng thay thế là rừng ngập mặn, nhất là đối với các dự án nhỏ lẻ”, ông Giang nói.

img

Trong thời gian tới, Quảng Ninh có nhiều dự án hạ tầng có sử dụng đất rừng ngập mặn.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, có tình trạng chủ dự án lớn “chây ì” nghĩa vụ thực hiện trồng rừng thay thế. Cụ thể một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, nhưng đến nay vẫn nợ tiền. Một số doanh nghiệp mặc dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở song vẫn cố tình “quên” hoặc “phớt lờ” nghĩa vụ trồng rừng thay thế, không phối hợp để xây dựng phương án trồng rừng.

img

Nhiều hecta rừng ngập mặn vịnh Cửa Lục bị lấn chiếm để làm cảng bến, tập kế vật liệu.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Quảng Ninh hiện đạt gần 423.000ha, chiếm 70% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng được trồng mới tăng dần qua các năm, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh từ 48,9% năm 2012 lên 54,6% năm 2018; diện tích trồng rừng tập trung bình quân hằng năm khoảng 11.000 - 12.000ha/năm. Tỉnh Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước lập và phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã trồng mới trên 1.600ha rừng ngập mặn.

Trong thời gian tới, dự kiến Quảng Ninh sẽ có nhiều dự án lớn có sử dụng đất rừng ngập mặn. Những khó khăn trong thực hiện trồng thay thế rừng ngập mặn chắc chắn sẽ là thách thức với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem