Quảng Ninh: Nâng cao trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường sống

Hoàng Giang Thứ bảy, ngày 04/07/2020 14:07 PM (GMT+7)
Cùng với vai trò của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mọi công dân trong xã hội, bắt đầu từ nhận thức, hành động từ mỗi cá nhân, gia đình.
Bình luận 0


Quảng Ninh: Nâng cao trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường sống - Ảnh 1.

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long để lại chai nhựa, túi nilon trên bờ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.

Công tác bảo vệ môi trường luôn được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt nhiều năm qua. Điều này được thể hiện rõ trong các quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch môi trường của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các đề án bảo vệ môi trường ngành Than, kế hoạch, đề án chuyên ngành về bảo vệ tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện...

Nhiều công nghệ, quy trình hiện đại về xử lý rác thải, giảm thiểu tác động đến môi trường nước, đất, không khí... đã được áp dụng. Hàng loạt các mô hình, phong trào được các cấp MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, triển khai, nhân rộng đến từng khu dân cư.

Nhờ đó, thông điệp về bảo vệ môi trường sống đã và đang được lan tỏa sâu rộng, trở thành nền nếp của từng khu dân cư, từ nông thôn đến thành thị.

Tuy nhiên, bảo vệ môi trường không chỉ cần nỗ lực của đội ngũ các chuyên gia, những quy định chặt chẽ của pháp luật, mà còn cần sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình trong xã hội. Mỗi công dân nâng cao ý thức trách nhiệm, có kiến thức và hành động đúng đắn vì môi trường sống, dù là ngay từ những việc nhỏ trong nếp sinh hoạt, lao động mỗi ngày.

Cụ thể như việc giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi quy định; không ngắt phá cây xanh nơi công cộng; tiết kiệm điện nước ở mọi lúc, mọi nơi; hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần; rèn thói quen tiết kiệm giấy, tái sử dụng đồ dùng...

Đặc biệt là sẵn sàng lên tiếng, phê phán những hành động xấu, biểu dương những cá nhân tiêu biểu nêu gương tích cực bảo vệ môi trường.

Quảng Ninh: Nâng cao trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường sống - Ảnh 2.

Hội LHPN phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) tuyên truyền sử dụng túi sinh học tự phân hủy thay cho túi nilon. Ảnh: Nguyễn Dung

Đi đầu trong công tác nhân rộng ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hội viên và nhân dân phải kể đến các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Những năm qua, những hoạt động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp phụ nữ quản lý”... đã trở thành thương hiệu của phụ nữ.

Mỗi thôn, bản, khu phố ra quân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăm sóc đường cây, đường hoa đã có sự tham gia của cả nam và nữ giới, mọi lứa tuổi, để làm đẹp nơi cư trú. Đến nay toàn tỉnh có đến 155 cơ sở hội phụ nữ, gần 840 chi, tổ hội thành lập được mô hình “Biến rác thành tiền”.

Theo đó, các thành viên thực hiện thu gom và phân loại rác thải, tái chế bán gây quỹ hội, hỗ trợ giúp đỡ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và tăng thu nhập.

Quảng Ninh: Nâng cao trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường sống - Ảnh 3.

Đoàn Thanh niên TP Cẩm Phả và Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cẩm Phả ra quân triển khai chiến dịch "Hãy làm sạch biển".

Với Đoàn thanh niên, nổi bật nhất là chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, được phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, duy trì đều đặn tại các địa phương ven biển. Đến nay đã tổ chức trên 150 đợt ra quân thu gom rác thải trên các bờ biển.

Nhiều đợt ra quân còn lồng ghép trồng rừng ngập mặn để hoàn nguyên môi trường, góp phần phục hồi “hàng rào xanh” bảo vệ tuyến biên giới, bờ biển, bãi bồi.

Quảng Ninh: Nâng cao trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường sống - Ảnh 4.

Cán bộ xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà (bên trái) kiểm tra chất lượng hoạt động bể biogas của hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương.

Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh tổ chức đợt thi đua đặc biệt nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10. Một trong những hoạt động nổi bật đang được đẩy mạnh là Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” làm điểm tại 4 phường Tuần Châu, Hà Phong, Hồng Hải, Hồng Hà và 2 trường TPHT trên địa bàn TP Hạ Long.

Các hoạt động về môi trường hiện trở thành nền nếp của các cấp hội nông dân tỉnh là: Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; sản xuất sản phẩm an toàn; thu gom, xử lý vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định... tiếp tục được chú trọng.

Phong trào bảo vệ môi trường đã và đang lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, gắn với hoàn thành tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem