Quỹ nhà nước Trung Quốc “ra tay” cứu thị trường chứng khoán

Ngọc Diệp Thứ năm, ngày 12/10/2023 19:10 PM (GMT+7)
Ngày một nhiều các chuyên gia kinh tế và quỹ đầu cơ Trung Quốc kêu gọi chính phủ Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào thị trường bằng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu.
Bình luận 0

Quỹ thịnh vượng nhà nước Trung Quốc tăng cổ phần nắm giữ tại nhóm các ngân hàng lớn nhất lần đầu tiên tính từ năm 2015, điều này khiến nhiều người đồn đoán về khả năng giới chức Trung Quốc sẽ tăng cường các nỗ lực để vực dậy thị trường chứng khoán đang sụt giảm của nước này.

Theo hồ sơ công bố vào ngày thứ Tư, Quỹ thịnh vượng Central Huijin Investment mua 65 triệu USD cổ phiếu tại ngân hàng Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CBC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC). Quỹ Huijin thuộc tập đoàn đầu tư CIC quy mô 1,4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Tập đoàn CIC có kế hoạch tiếp tục tăng lượng cổ phiếu nắm giữ trong vòng 6 tháng tới.

Chỉ số cổ phiếu CSI 300 của thị trường Trung Quốc tăng 0,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, dẫn đầu bởi cổ phiếu ngành tài chính.

Ngày một nhiều các chuyên gia kinh tế và quỹ đầu cơ Trung Quốc kêu gọi chính phủ Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào thị trường bằng quỹ bình ổn để mua cổ phiếu. Giới chức Trung Quốc đã tránh áp dụng biện pháp như thế này kể từ khi thị trường trải qua cú sốc vào năm 2015.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong giới chức quản lý hàng đầu Trung Quốc, hiện đang xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo về diễn biến của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi mà cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản cũng như áp lực giảm phát gia tăng không khỏi khiến mục tiêu tăng trưởng GDP Trung Quốc 5% chịu nhiều áp lực.

Những lần can thiệp vào thị trường chứng khoán nội địa quy mô 9,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã không ngăn được sự suy giảm của thị trường. Phiên ngày thứ Ba, chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 11 tháng và tính từ mức cao được thiết lập trong năm 2021, chỉ số đã giảm đến 37%. Nhiều tháng gần đây, giới chức Trung Quốc đã hãm bớt tốc độ IPO của doanh nghiệp, hạn chế các cổ đông lớn bán cổ phiếu, giảm thuế giao dịch cổ phiếu và nới lỏng quy định vay tiền mua cổ phiếu.

Dù rằng giá trị mua cổ phiếu của quỹ Huijin chỉ ở mức thấp, nó khiến người ta nhớ lại nỗ lực cứu thị trường trong đợt thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm sâu 8 năm trước nhằm thiết lập ra mức giá sàn của cổ phiếu và giảm tối đa hoạt động bán hoảng sợ. Trong ngày thứ Năm, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về động thái của Hunjin trên khắp các trang nhất, nhấn mạnh thông điệp này giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

"Động thái biểu tượng của Central Huijin nhiều khả năng giúp hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Động thái mới nhất quỹ không khỏi khiến nhiều người nhớ lại hành động của nhà nước trong đợt suy giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015, nó phản ánh cho nguyện vọng bình ổn thị trường của chính phủ Trung Quốc", chiến lược gia thị trường tại quỹ Saxo Capital Markets ở Hồng Kông – ông Redmond Wong nhấn mạnh.

Chỉ số CSI 300 của cổ phiếu nhóm ngành tài chính tăng 1,2%. Cổ phiếu Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) tăng 2,2% còn cổ phiếu Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tăng 1,9%. Quỹ Central Huijin hiện đang nắm cổ phần tại 19 tổ chức tài chính trong đó có bao gồm ngân hàng và các tổ chức môi giới, theo công bố trên website.

Giá trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm, lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 2,71% và như vậy đóng cửa ở ngưỡng cao nhất tính từ tháng 5/2023.

Quỹ thịnh vượng này có lịch sử can thiệp hỗ trợ thị trường trong nhiều lần thị trường rối loạn trước đây. Quỹ từng mua cổ phiếu sau khi bong bóng giá cổ phiếu vỡ vào năm 2008 và 2015. Lần này, điều khiến nhà đầu tư lo lắng không phải định giá cổ phiếu cao mà liệu là chính phủ có hành động đủ mạnh để hỗ trợ cho nền kinh tế hay không.

Đánh giá về động thái này, chuyên gia phân tích cao cấp tại quỹ Forsyth Barr Asia, ông Willer Chen, phân tích: "Việc mua cổ phiếu mới nhất của quỹ Huijin khiến người ta nhớ về những nỗ lực để cứu thị trường vào năm 2008 và năm 2015. Các yếu tố vĩ mô căn bản hiện tại của Trung Quốc là yếu tố quan trọng khiến cho thị trường tạo đáy".

Thống kê cho thấy rằng những đợt can thiệp trước đây của quỹ chỉ mang đến sự bình ổn ngắn hạn cho thị trường. Năm 2015, chỉ số CSI 300 đã có lúc tăng điểm nhưng rồi sau đó giảm đến 20% trong những tháng kế tiếp.

Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc, vốn thường giao dịch ở mức thấp bởi thuộc sở hữu của nhà nước, hiện đang ở ngưỡng rẻ sau hàng loạt đợt bán vừa qua.

Động thái của quỹ đầu tư Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tâm lý bi quan của nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên. Thống kê đến hiện tại cho thấy các thị trường mới nổi không tính Trung Quốc đã lập kỷ lục trong năm nay, trong khi đó các quỹ toàn cầu giảm trạng thái trên thị trường Trung Quốc xuống mức thấp nhất tính từ năm 2020.

Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 7% trong năm nay so với mức tăng hơn 10% của chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem