Masan Consumer lấy ý kiến cổ đông về việc "chuyển nhà" sang HoSE
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến đến trước 14h ngày 28/2.
Trong đó, Masan Consumer trình xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch huỷ giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM và thực hiện niêm yết cổ phiếu của Công ty trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Trong đó, Công ty dự kiến sẽ giao Hội đồng quản trị và cho phép Hội đồng quản trị được uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc lựa chọn thời điểm và tổ chức thực hiện tất cả các thủ tục và ký kết các giấy tờ liên quan đến việc niêm yết trên sàn HoSE.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/2, cổ phiếu MCH tăng 2,29% lên mức 152.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa khoảng 159.820 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 30,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và 7,92 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Việc đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của MCH.
Doanh thu từ sản phẩm mới tăng mạnh lên 2,1 nghìn tỷ đồng (87% svck) trong năm 2024, với các sản phẩm mới từ tất cả các danh mục, như tương ớt Chinsu Siracha, lẩu tự sôi Omachi, nước giặt Chante, Trà Bupnon Tea365, ....

Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2025, Masan Consumer đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 10% đến 15%, đạt 33.500 tỷ đồng đến 35.500 tỷ đồng, điều này được thúc đẩy bởi các động lực tăng trưởng chiến lược và việc phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme”.
SSI Research kỳ vọng, nền kinh tế phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025. Với lợi thế R&D cạnh tranh, Masan Cunsumer có thể thực hiện các chiến lược đổi mới và cao cấp hóa để củng cố thị phần và đạt tăng trưởng cao hơn các công ty F&B khác.
Đồng thời, tận dụng nền tảng bán lẻ của Winmart trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan, Masan Consumer có thể phát triển nhanh hơn các công ty cùng ngành khác nhờ sự chuyển dịch từ cung cấp hàng hóa sang kênh phân phối trong dài hạn.
Với mảng gia vị: Mặc dù Masan Consumer đã giành được phần lớn thị phần (45% cho nước mắm trong năm 2023), chuyên gia SSI đánh giá, các sản phẩm cao cấp vẫn còn dư địa để mở rộng tỷ trọng trong doanh thu (17,7% trong năm 2024 đối với nước mắm).
Hiện, SSI cho biết, Masan Consumer đang mở rộng các loại chấm công thức để đáp ứng khẩu vị đa dạng và nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng.
Với mảng thực phẩm tiện lợi: Hãng Omachi có khả năng để gia tăng thêm thị phần (từ 17% trong năm 2023), trong khi các đồ ăn sẵn và thay thế bữa ăn tại nhà (ready to eat meal and home meal replacement) sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.
Với mảng đồ uống và cà phê: Masan Consumer dự kiến sẽ tinh chỉnh và ra mắt các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trẻ, và nắm bắt sự thay đổi sở thích của khách hàng hướng đến những đồ uống ít ngọt hơn. Trà Bupnon Tea365, Wakeup 247, và Wakeup Mekong là các sản phẩm đồ uống mới.
Còn mặt hàng hóa mỹ phẩm: Chuyên gia kỳ vọng sự gián đoạn phân phối trong năm 2024 sẽ được giải quyết trong năm 2025, điều này sẽ giúp doanh thu NET phục hồi. Trong khi đó, việc đưa thương hiệu Chante vào kênh GT trên toàn quốc sẽ thúc đẩy doanh thu trong thời gian sắp tới.