Quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức

Hạ Anh Chủ nhật, ngày 21/03/2021 07:59 AM (GMT+7)
Theo luật sư, tùy thuộc vào vị trí công tác mà quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức sẽ khác nhau.
Bình luận 0

Hồ sơ chuyển từ viên chức sang công chức

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết hồ sơ chuyển từ viên chức sang công chức được quy định tại khoản 3,4 và khoản 5 điều 18 Nghị định 138/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức gồm:

Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận.

Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức - Ảnh 2.

Tùy thuộc vào vị trí công tác mà quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức sẽ khác nhau. Ảnh minh họa

Quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức

Theo luật sư, quy trình, thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức được chia thành 2 trường hợp.

Trường hợp 1, khi chuyển từ viên chức sang công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức: Phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Trong đó, Hội đồng này có nhiệm vụ là kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; tổ chức sát hạch về trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; báo cáo kết quả sát hạch.

- Khi chuyển từ viên chức sang công chức để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận.

Hình thức sát hạch: Phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết.

Nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch: Do Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm tra, sát hạch: Nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trường hợp 2, khi tiếp nhận vào làm công chức để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm công chức và thực hiện như sau:

Trường hợp cơ quan quản lý công chức đồng thời là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc là cấp dưới của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thì quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận.

Trường hợp cơ quan quản lý công chức là cấp trên của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thì cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm phải báo cáo cơ quan quản lý công chức đồng ý về việc tiếp nhận trước khi quyết định bổ nhiệm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem