Quyết liệt chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học

Quỳnh Anh Thứ hai, ngày 21/10/2019 15:15 PM (GMT+7)
Tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học". Báo cáo cho biết từ đầu năm 2019 đã có 9068 lượt kiểm tra các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn thành phố, 16 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 86,5 triệu đồng.
Bình luận 0

Hơn 9000 lượt kiểm tra bếp ăn

Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm, toàn thành phố Hà Nội có 4534 bếp ăn tập thể và căng tin trường học, trong đó khối mầm non có 3732 bếp ăn tập thể (2884 bếp ăn của trường tư thục và 848 bếp ăn của trường công lập); tiểu học có 535 (510 bếp ăn và 25 căng tin); trung học cơ sở 200 (124 bếp ăn và 76 căng tin); trung học phổ thông 67 (23 bếp ăn và 44 căng tin).

Số trường học tự nấu ăn là 4024; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 (bao gồm 263 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 152 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường). 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. 

img

Diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội

Tất cả các trường có bếp ăn tập thể đều ký kết hợp đồng thực phẩm với nhà cung ứng đảm bảo tính pháp lý. 89% trường học có Ban chỉ đạo, tổ tự giám sát bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường; 93% trường xây dựng và triển khai đầy đủ kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường.

Để kiểm soát an toàn thực phẩm, Ban giám hiệu các trường đã làm tốt công tác tự kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động của bếp ăn tập thể. Huy động được sự tham gia của cha mẹ học sinh trong công tác giám sát giao nhận thực phẩm, chế biến, chia suất ăn tại bếp ăn. 

Thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm Tp Hà Nội cho thấy từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể với tổng số 235 người mắc, không có tử vong. 

Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể với nhiều hình thức như phát trên loa truyền thanh, trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi... 

Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra được thực hiện từ thành phố đến cơ sở. Tổng số lượt cơ sở được kiểm tra, giám sát từ đầu năm 2019 đến nay là 9068, trong đó có 16 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 86,5 triệu đồng.

90% bếp ăn đủ hồ sơ pháp lý

Kết quả kiểm tra, giám sát hơn 4500 bếp ăn trường học tại Hà Nội cũng cho thấy, 91% nhà trường đã cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; 90% bếp ăn có hồ sơ pháp lý; 82% bếp ăn có đủ sổ sách theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến tại bếp ăn tập thể.

img

90% các trường học có đầy đủ sổ sách ghi chép việc thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; quy trình bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Lưu mẫu thức ăn đảm bảo đủ 24 giờ, có đủ thông tin người lưu, giờ lưu và được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Về nguồn nhân lực, có 9164/10.275 người tham gia chế biến, cô nuôi trong bếp ăn tập thể trường học có kiến thức về an toàn thực phẩm, được khám sức khỏe, đạt 89,2%. 80% nhân viên nấu ăn, nhân viên phục vụ được trang bị bảo hộ lao động phù hợp, đảm bảo vệ sinh.

Tuy đại đa số các bếp ăn tại nhà trường đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn một số bếp ăn chưa đạt yêu cầu do cơ sở nhà trường xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Một số trường vận chuyển từ nơi khác đến rất có khả năng xảy ra ôi thiu trong quá trình vận chuyển. Một số nơi phát hiện cô nuôi hoặc đầu bếp còn đeo đồ trang sức, để móng tay dài... 

TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể trường học cần được thực hiện, giám sát liên tục.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thực hiện nghiệm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý; kiên quyết không hợp tác với  đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn. Đồng thời ngành y tế cũng cần tăng cường kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể, đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem