Rác thải thành phân bón

Thứ hai, ngày 06/01/2014 06:51 AM (GMT+7)
Mô hình thí điểm thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) trong việc xử lý rác thải.
Bình luận 0
Ông Tạ Khánh Hưng- Chủ tịch Hội ND xã Tiền Yên cho biết: “Tiền Yên có 1.561 hộ ND trong đó có 581 hộ trồng rau, 31 hộ làm kinh tế trang trại”. Nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu nhập của ND trong xã. Mỗi năm, chi phí cho việc mua phân bón không hề nhỏ, trong khi ND vứt rác thải nông nghiệp ra môi trường.

Khẩu hiệu “3T”

Ngoài số rác thải từ nông nghiệp, chất thải rắn cũng là vấn đề gây nhức nhối của người dân nơi đây. Theo thống kê mỗi năm, người dân Tiền Yên thải ra môi trường 1.375 tấn rác thải rắn, chủ yếu vẫn là chôn lấp.

Anh Hòa  phân loại rác thải.
Anh Hòa phân loại rác thải.

Theo ông Hưng, để thay đổi nhận thức và thói quen của ND trong việc xử lý rác thải, từ tháng 11.2013 Hội ND TP.Hà Nội đã phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai mô hình thí điểm thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng với sự tham gia của 100 hộ ND xã Tiền Yên.

Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 2 thùng đựng rác/hộ (1 thùng đựng rác thải vô cơ, 1 thùng đựng rác hữu cơ), 1 lít EM (chế phẩm sinh học) và được các chuyên gia của Trung tâm Phát triển công nghệ Việt Nhật giảng dạy trong 4 ngày về tác dụng của việc phân loại rác thải tại hộ gia đình và các phương pháp xử lý rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng bằng công nghệ vi sinh EM tại thực địa.

Với khẩu hiệu “3T” (tiết kiệm, tận dụng và tái sinh), qua mô hình đã hình thành trong người dân thói quen phân loại rác thải và thay đổi hành vi vứt rác bừa bãi ra môi trường. Điều này không chỉ hạn chế được lượng rác thải hàng tháng mà còn tăng thêm nguồn phân bón cho cây trồng, giúp ND tiết kiệm chi phí.

Nhiều lợi ích

Anh Nguyễn Văn Hòa, thôn Tiền Lệ cho biết: “Nhà tôi nuôi gà, mỗi ngày gia đình tôi thải ra từ 3-5kg rác các loại. Trước đây, tôi vẫn có thói quen vứt chung rác thải vô cơ và hữu cơ vào cùng một thùng rác. 20 ngày sau thì công nhân vệ sinh môi trường của xã mới thu gom rác thải một lần, rác để lâu bốc mùi rất khó chịu”.


"Việc thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng đã hình thành ý thức tiết kiệm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lượng phân bón cho cây trồng. Năm 2014, Hội sẽ nhân rộng mô hình này sang các huyện khác”.
Bà Nguyễn Thị Loan - Phó ban Xã hội, Hội ND TP.Hà Nội

Tham gia mô hình thu gom, xử lý và phân loại rác thải, anh Hòa được hướng dẫn dùng chế phẩm EM để giảm mùi hôi trong rác thải. Giờ anh đã biết phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ cho vào 2 thùng đựng khác nhau.

“Nguồn rác thải hữu cơ, tôi sử dụng chế phẩm EM hòa với rỉ mật ủ từ 5-7 ngày rồi đem bón cho hơn 1 sào rau của gia đình. Còn đối với rác vô cơ như: chai, lọ thì tôi thu gom lại, cái nào sử dụng được thì tái chế còn cái nào không dùng được mới bỏ đi.

Làm như vậy vừa hạn chế được lượng rác thải phát sinh, lại tiết kiệm được tiền mua phân bón. Hơn nữa, tôi còn biết dùng chế phẩm EM để khử mùi hôi trong việc nuôi gà, hạn chế dịch bệnh đáng kể” - anh Hòa bảo. Cạnh nhà anh Hòa, ông Nguyễn Khắc Bút cũng tham gia mô hình. Ông Bút tâm sự, từ ngày dùng chế phẩm sinh học EM để xử lý rác, nhà sạch sẽ, sức khỏe của các thành viên trong gia đình cũng đảm bảo.

Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem