Loại rau được ví như "nhân sâm" của người nghèo, giảm nguy cơ mắc ung thư

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 05/01/2023 16:10 PM (GMT+7)
Một loại rau rất gần gũi với người dân, có vị đắng mọc dại rất nhiều chẳng mấy ăn thích ăn giảm nguy cơ mắc ung thư mà ít ai ngờ tới.
Bình luận 0

Với nhiều người dân, rau má không có gì là quá xa lạ khi là thứ rau dại mọc nhiều nơi đặc biệt ở vùng nông thôn. Đây được ví như một thứ rau "nhân sâm" với người nghèo. 

Rau má còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo, liên tiền thảo (pennywort), tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae. Đây là loài rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lủng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới như: Việt Nam, Lào, Cambuchia, Indonesia, Malasia, Madagascar . . .

Loại rau được ví như "nhâm sâm" của người nghèo, giảm nguy cơ mắc ung thư  - Ảnh 1.

Rau má được ví như một thứ rau "nhân sâm" với người nghèo. Ảnh minh hoạ

Rau má có chứa các chất sau: beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K…

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), rau má hơi ngọt, vị đắng, tính mát, dùng để thanh nhiệt giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu. Ngoài dùng làm thuốc rau má còn được dùng là rau ăn sống. Hiện nay, với những giá trị to lớn của rau má người ta còn làm sinh tố uống giúp đẹp da tốt cho sức khoẻ.

Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má: Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid…

Loại rau được ví như "nhâm sâm" của người nghèo, giảm nguy cơ mắc ung thư  - Ảnh 2.

Gỏi rau má thịt bò là một trong những món ăn được nhiều bà nội trợ ưa thích. Ảnh minh hoạ

Hoạt chất asiaticoside trong rau má cũng đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao, do asiaticoside có thể làm tan lớp màng sáp bọc những vi khuẩn này, giúp hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt chúng.

Theo bác sĩ BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), rau má có tác dụng thanh nhiệt (hạ sốt), giải độc, lợi thủy (lợi tiểu), lương huyết, thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa. Có thể xay lấy nước uống như 1 loại nước thanh nhiệt, hoặc nấu canh hoặc ăn kèm trong các món cuốn, lẩu. 

Y học hiện đại đã phân tích thành phần dinh dưỡng chính của rau má gồm: nước, tinh bột, chất xơ, vitamin C, vitamin B1, canxi, phosphor, gam sắt, beta caroten. Tác dụng thường được biết đến là chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm đẹp da, bảo vệ tế bào thần kinh, chồng trầm cảm, giảm lo âu và điều trị mất ngủ, cải thiện sức khỏe.

"Dù rau má không có tính độc nhưng vẫn có lưu ý khi sử dụng thì người có thể chất hư hàn không nên uống nhiều nước rau má, không đi nắng ngay sau khi uống rau má, không uống rau má thay nước lọc", bác sĩ Thuỷ nói. 

Theo bác sĩ Thuỷ nước uống rau má dù rất tốt cho sức khoẻ nhưng không nên uống quá nhiều thay cho nước lọc. Uống quá nhiều nước rau má sẽ gây ra tình trạng bị đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, dùng rau má nhiều sẽ khiến bạn nhức đầu, choáng váng. 

Nước rau má có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và các thuốc chống trầm cảm. Đối với người nếu có đường tiêu hóa không tốt, khi uống bạn có thể ăn thêm một vài lát gừng tươi.

"Rau má có vị đắng nên không nhiều người thích ăn. Tuy nhiên, những giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh của rau má là rất lớn. Ăn rau máu giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường; hỗ trợ tiêu hóa, tốt mắt và gan", bác sĩ Thuỷ chia sẻ.

Các chuyên gia cũng lưu ý thêm rau má là loại rau tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, khi dùng rau má làm thuốc chữa bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ có chuyên môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem