Room ngoại: Luật mới sẽ mở theo cách nào?

24/10/2019 08:44 GMT+7
Trong khi điều thị trường quan tâm nhất tại dự thảo Luật là việc nới rộng không gian đầu tư cho nhà đầu tư ngoại (room) thì câu chuyện được thảo luận nhiều nhất tại nghị trường lại không phải là room, mà là việc Việt Nam nên có 1 hay 3 sở giao dịch chứng khoán.

Room: Chờ Chính phủ quy định cụ thể

Bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được trình ra Quốc hội ngày 22/10/2019 dành riêng Điều 50, quy định về việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, Điều này chỉ nêu rằng: “1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Room ngoại: Luật mới sẽ mở theo cách nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Giải trình về nội dung trên, ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và những biện pháp kỹ thuật để quản lý tỷ lệ này trong giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Có ý kiến khác cho rằng, không nên can thiệp sâu vào tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp mà vấn đề này cần căn cứ vào các luật liên quan, các điều kiện đặc thù kinh doanh, tương thích với luật chuyên ngành và chủ sở hữu nên là người quyết định sẽ phù hợp hơn.

Cũng có ý kiến đề nghị để tương thích với xu thế mở cửa về đầu tư theo các hiệp định cam kết tới đây cần xem xét quy định cho phép có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện mà chưa có quy định về sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm, Luật Đầu tư hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được xem xét để trình Quốc hội có quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến quy định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên dự thảo Luật Chứng khoán quy định như Điều 50 là phù hợp.

Quy định này bảo đảm được tính thống nhất với quy định hiện hành và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đồng thời bảo đảm tính linh hoạt bằng việc giao Chính phủ hướng dẫn.

Cũng liên quan đến việc mở rộng không gian cho dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, cần rà soát tất cả các thuật ngữ liên quan đến chứng khoán, bổ sung sản phẩm “chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết” vào thuật ngữ chứng khoán; xem xét khái niệm “chứng khoán”, “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” và làm rõ hơn một số thuật ngữ khác như khái niệm tài sản cơ sở, chào bán chứng khoán ra công chúng, bản cáo bạch, người có liên quan…

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các thuật ngữ tại dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định liên quan. Riêng khái niệm “chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết” dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì có liên quan đến quyền của cổ đông.

Điểm nóng tranh luận: Việt Nam có 1, 2 hay 3 Sở GDCK?

Thông thường, các dự án luật khi được trình ra Quốc hội xem xét lần cuối trước khi bấm nút thông qua đều đạt đến sự thống nhất về nội dung giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định luật. Tuy nhiên, dự án Luật Chứng khoán lần này có một điểm các cơ quan chức năng vẫn chưa đi đến thống nhất, đó là về mô hình và tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Về phía cơ quan soạn thảo Luật, trong khi dự án Luật đang trong quá trình thẩm định, xem xét thì Bộ Tài chính, Chính phủ công khai xin ý kiến về dự thảo Quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Theo bản dự thảo này, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ có trụ sở chính tại Hà Nội, có hai công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Trên nghị trường, cuộc họp ngày 12/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có quan điểm khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam chỉ nên có 1 sở giao dịch chứng khoán, đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Việt Nam chỉ nên có 1 sở giao dịch chứng khoán và việc chọn trụ sở cho sở duy nhất này cần linh hoạt, không nhất thiết đặt tại Thủ đô. Mỹ và Trung Quốc cũng không chọn Thủ đô làm nơi đặt trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán và đây là điều Việt Nam phải nghiên cứu kỹ trước khi quyết định.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quang Hiển cũng chung quan điểm: Việt Nam chỉ nên có một sở giao dịch chứng khoán và Sở cần đặt ở Trung tâm tài chính quốc gia.

Ghi nhận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Có ý kiến cho rằng, cần thể chế vào dự thảo Luật mô hình Sở Giao dịch chứng khoán theo Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Ở vai trò cơ quan thẩm định dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có một sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.

Đây là doanh nghiệp rất đặc thù, nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản.

Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia, do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, dự án Luật cần quy định rõ, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong khi trên nghị trường, quan điểm về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán vẫn chưa đi đến thống nhất thì trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa hẳn là vấn đề trọng yếu được các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam chờ đợi khi sửa Luật.

Điều thị trường cần là một quan điểm mới về mở không gian đầu tư cho nhà đầu tư ngoại/một hành lang pháp lý nâng tầm chất lượng quản trị doanh nghiệp/vai trò và quyền lực của cơ quan trực tiếp quản lý thị trường là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đủ sức giám sát sự minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư… Tuy nhiên, những nội dung này không được đề cập nhiều trong dự án Luật.

Có lẽ đây là lý do dù nghị trường có nóng chuyện tranh luận mô hình 1 Sở, 2 Sở, hay 3 Sở, thị trường chứng khoán cứ nguội, với chỉ số chính loanh quanh dưới 1.000 điểm và thanh khoản chưa có dấu hiệu ngừng giảm.

Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trên toàn thị trường chỉ đạt gần 150 triệu USD/ngày, trong đó sàn HOSE khoảng 120 triệu USD/ngày, sàn HNX khoảng 15 triệu USD/ngày và sàn UPCoM khoảng 10 triệu USD/ngày.

Số doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn cũng có xu hướng giảm, khi năm 2019 mới có 9 doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn HNX, 7 doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn HOSE (năm 2010 có 116 doanh nghiệp lên HOSE; 83 doanh nghiệp lên HNX; năm 2015 có 44 doanh nghiệp lên HOSE, 32 doanh nghiệp lên HNX…).

Số doanh nghiệp lên sàn nhiều nhất gần đây là gia nhập sàn UPCoM, do quy định pháp lý buộc doanh nghiệp  phải làm, chứ không phải từ ý chí chủ quan của doanh nghiệp.

Hữu Hòe/ĐTCK
Tags:
Cùng chuyên mục