Sắc trắng bông gòn

Thứ năm, ngày 22/05/2014 08:30 AM (GMT+7)
Cây gòn còn được dân gian gọi là cây Bông gòn. Đây là một loài cây gỗ lớn rụng lá theo mùa, nhưng mang nhiều đặc điểm thực vật học gần với cây Bông gạo nên được xếp cùng họ Bông gạo.
Bình luận 0
Cây gòn có nguồn gốc ở châu Mỹ la tinh và cũng có thể cả vùng phía Tây châu Phi. Gòn có nhiều loại, loại thân không gai, vỏ cành nhánh và thân non đều có màu xanh; loại có thân và cành có nhiều gai thô, cành già và thân già có màu xám nâu; loại thân cành không gai, cành già và thân già có màu xám nâu, lá nhỏ, dày, trông tựa cây Chân chim, tán lá gọn…

img
Trái gòn

img
Thân gòn

Nhìn chung gòn mang lá kép chân vịt có từ 5 đên 9 lá chét. Bông thường nở trước khi lá mới xuất hiện. Bông có cánh màu trắng kem hay hồng nhạt. Trái gòn mau lớn, mọc thỏng, vỏ trái mỏng lúc nhỏ có màu xanh, về già chuyển sang màu nâu sậm, ruột gòn lớn chứa toàn sợi, khi khô trái tự bung vỏ, bông gòn tự bay đi. Hột gòn có màu đen tương tự như hột tiêu.

Do sợi quả của nó không hút ẩm, mềm mại, màu sáng trông khá tinh khiết, nhẹ, nổi được trên nước, đàn hồi khá mạnh, không bị xe thành búi như sợi bông vải, nên đã được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như làm các lớp cách nhiệt, cách điện, nhồi thú bông, nệm trải giường, lót ghế, chăn đắp, gối… Hạt bông gòn chứa nhiều dầu, sử dụng được cho việc sản xuất xà phòng.

img
Bông gòn

Đặc biệt dân gian có cách thức tận dụng từ cây gòn hết sức độc đáo là lấy mủ gòn để pha nước uống. Lựa những cây gòn lớn, dùng dao bén khứa những vết ngoài vỏ gòn phần dưới gốc cây.

Một hai bữa sau, mủ cây màu đỏ thẫm ứa ra. Gỡ lấy mũ đó mang về rửa sạch pha chung với nước lạnh, có khi kết hợp với mủ trôm hay hột é làm nước giải khát. Người ta tin rằng uống nước mủ gòn vừa lợi tiểu vừa có khả năng kích dục, lại còn điều trị chứng đau răng.
img
Mủ gòn

img
Ly mủ gòn

Ở Việt Nam, không rõ nó được nhập trồng từ bao giờ, nhưng có lẽ đã rất lâu rồi, hơn cả thế kỉ về trước và có mặt hầu khắp các vùng đến nỗi có người còn cho rằng chính vì gòn mọc nhiều nên địa danh Sài Gòn đã hình thành. Tuy thuyết này nhiều nhà khoa học, các bậc học giả không dễ dàng chấp nhận, nhưng dân gian vẫn truyền miệng như vậy:

- Tiếng đồn anh học Sài Gòn/ Xin hỏi anh thử cây gòn mấy bông?

- Em về đếm cá dưới sông/ Có bấy nhiêu cá thì có mấy bông cây gòn.
(Ca dao)
Út Tẻo (Út Tẻo)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem