Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường

THDV Thứ tư, ngày 03/11/2021 14:45 PM (GMT+7)
Với thực trạng ô nhiễm nông nghiệp như hiện nay, canh tác nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Bình luận 0

Tọa đàm trực tuyến: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với Bảo vệ môi trường

Việt Nam là một nước nông nghiệp với 75% dân số và nguồn lao động sinh sống tại nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp đã đóng góp tới 23,5% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, trong 5 năm vừa qua, ngành NN-PTNT đã đạt được những kết quả quan trọng: tốc độ tăng trưởng bình quân ước tính đạt 2,6%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 42 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp thì tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp cũng ngày càng nghiêm trọng. Việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài dẫn đến đất bị chai cứng, giữ nước kém và màu mỡ của đất giảm, năng suất cây trồng giảm. Thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Chính vì thế, việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường"

Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020. Tính đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã cho thấy những hạn chế, bất cập nhất là trong việc xây dựng thương hiệu nông sản, cần sự chung tay của các cơ quan có trách nhiệm và cộng đồng xã hội. Để giải quyết những vấn đề này, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường". Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên trang Danviet.vn và các Fanpage: danviet.vn; Nhà nông Dân Việt…

Khách mời tham dự:

- Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

- Ông Hoàng Văn Hồng- Phó Giám đốc TT Khuyến Nông (Bộ NN&PTNT)

- Ông Khắc Ngọc Bá- Phó tổng giám đốc tập đoàn Quế Lâm

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường”

Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu và là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế, kiểm soát ô nhiễm

Nói về tình trạng ô nhiễm môi trường do nông nghiệp truyền thống mang lại, ông Nguyễn Như Cường cho rằng: Hiện nay tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để nhằm tăng năng suất, tối đa hóa lợi nhuận khá phổ biến, ảnh hưởng rất xấu đến môi trường sống. Cũng đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia, ông Hoàng Văn Hồng cho rằng, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không những làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, làm đất bị chai cứng mà còn tiêu diệt thế hệ sinh thái đồng ruộng, trong đó có hệ thiên địch của đồng ruộng, dẫn đến mất cân bằng sinh thái đời ảnh hưởng đến môi trường nước môi trường không khí ảnh hưởng sức khỏe con người.

Theo ông Hoàng Văn Hồng, trong giai đoạn hiện nay, xu hướng chung của quốc tế là ủng hộ các sản phẩm sạch và an toàn, chính vì thế, việc nền nông nghiệp chuyển hướng sang hữu cơ là xu thế tất yếu. Thực tế nông nghiệp nước ta cũng đang chuyển dịch dần sang nền nông nghiệp hữu cơ, khi cả Chính phủ và Bộ NN&PTNT, cùng các đơn vị của bộ cũng đã ban hành những văn bản, quy trình kỹ thuật để hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp chuyển dần sang sản xuất hữu cơ, đồng thời khuyến khích người dân thực hiện các mô hình này.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Hồng- Phó Giám đốc TT Khuyến Nông (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại tọa đàm.

Cũng theo ông Hồng, các con số nghiên cứu của Viện nghiên cứu hữu cơ thế giới thì tính đến thời điểm này cho thấy, thế giới mới có khoảng 1,5% diện tích canh tác được sản xuất hữu cơ, con số này rất nhỏ bé so với diện tích 71 triệu ha và nó chỉ chiếm 1,5 đất sản xuất hữu cơ. Tại Việt Nam, theo con số thống kê đến năm 2019, con số này chưa đến 240 nghìn ha trên khoảng 10 triệu ha đất nông nghiệp. Chính vì vậy, mặc dù phỉ ghi nhận nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển ở trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng phải xác định rằng, điều đó không có nghĩa là sản xuất hữu cơ có thể thay thế được hoàn toàn các phương thức khác. Để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường, cần điều chỉnh chế độ canh tác nông nghiệp thân thiện với môi trường hơn, và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của phân hóa học lên môi trường. Song song với đó là hữu cơ hóa sản xuất nông nghiệp. Theo ông Hồng, giải pháp cho vấn đề này là tăng cường sản xuất phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm chăn nuôi, giải pháp tuyên truyền phổ biến cho người dân và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hài hòa các loại phân bón hóa học. Những điều này sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam vừa đảm bảo được lương thực, môi trường vừa đảm bảo về kinh tế.

Khó khăn trong việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Ông Hoàng Văn Hồng cho biết, một trong những khó khăn của bà con nông dân đó chính là chưa nắm hết được quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có một số quy trình chưa đạt được ở Việt Nam. Thứ hai là quy luật về giá trị, đó là năng suất thấp hơn, giá cao hơn nhưng chưa chắc giá trị mang lại đã cao hơn. Khó khăn nữa, nếu đang sản xuất hữu cơ mà sản phẩm vì một lý do nào đó không tiêu thụ được, bà con ngừng sản xuất hữu cơ sau đó muốn chuyển đổi lại là điều rất khó và rất mất thời gian. Một khó khăn nữa, để sản phẩm hữu cơ tiêu thụ được, và người tiêu dùng tin tưởng, sản phẩm hữu cơ cần phải được đơn vị đủ điều kiện chứng nhận chất lượng sản phẩm, được dán tem hữu cơ… thì người tiêu dùng mới sẵn sàng mua sản phẩm với giá cao. Để làm được điều đó thì phải có sự tham gia của các cơ quan vào cuộc từ các Sở, Phòng Nông nghiệp kết hợp với UBND các cấp và gắn với hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để bà con yên tâm bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn sản phẩm thông thường.

Với phương diện là doanh nghiệp sản xuất, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho biết, trong 20 năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp này vẫn luôn hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, vì những sản phẩm sạch và môi trường an toàn, trong đó có trồng trọt và chăn nuôi. Khó khăn đầu tiên đó là phần lớn người dân chưa có hiểu biết sâu về nông nghiệp hữu cơ, cũng như chưa hiểu biết nhiều về lợi ích gì của nông nghiệp hữu cơ đối với môi trường và sức khỏe. Chính vì thế, trong quá trình làm việc với các hộ nông dân, doanh nghiệp này đã phải tích cực tuyên truyền, tập huấn cho các bà con về cách thức sản xuất cũng như lợi ích của nông nghiệp hữu cơ để bà con có những hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 5.

Ông Khắc Ngọc Bá- Phó tổng giám đốc tập đoàn Quế Lâm phát biểu tại tọa đàm.

Hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp hữu cơ trong thời đại mới

Đánh giá nông nghiệp hữu cơ là một xu thế, Tập đoàn Quế Lâm đã chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ vi sinh vào trong trồng trọt như phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học; cái thứ hai là đưa công nghệ vi sinh vào chăn nuôi để bảo vệ môi trường, không xả thải ra môi trường, tất cả chất thải sẽ được thu gom lại rồi ủ thành phân vi sinh bón lại cho cây trồng. Cùng với đó, đưa công nghệ vi sinh vào xử lý những phế phẩm rồi tái sử dụng cho trồng trọt. Từ công nghệ đó, doanh nghiệp cũng tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ đem lại những gì. Để bà con hiểu được, doanh nghiệp đã thử nghiệm một mô hình rất nhỏ, sau đó mới nhân rộng và tuyên truyền và khi hiệu quả thực sự thì bà con sẽ tự đăng ký tham gia. Đến nay, từ những mô hình nhỏ, doanh nghiệp này đã triển khai lên đến hàng nghìn ha, từ Bắc – Trung - Nam cũng như triển khai các mô hình chăn nuôi, an toàn, khép kín từ 1 nông hộ nhỏ thành hàng trăm nông hộ, thậm chí là các trang trại lớn, và tiến tới triển khai lan rộng thành các làng hữu cơ, vùng hữu cơ...

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 6.

Mô hình sản xuất su su hữu cơ của bà con nông dân tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc được Tập đoàn Quế lâm hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Ngọc Hải.

Theo ông Bá, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả, cần sản xuất theo chuỗi. Để chuỗi cung cứng vận hành tốt, cần tạo ra sản phẩm tốt, đảm bảo được cả năng suất và chất lượng. Đối với các doanh nghiệp, khi làm hữu cơ là phải tạo ra chuỗi, ngay từ khi sản xuất cho bà con đến tiêu thụ, để khi người tiêu dùng mua họ có thể truy xuất được nguồn gốc và tin tưởng sản phẩm thực sự có thể tiêu dùng được và sẵn sàng bỏ tiền mua với giá đắt hơn những sản phẩm thông thường. Điển hình như mô hình su su ở Tam Đảo của Tập đoàn Quế Lâm, giá đầu ra tăng 20 đến 30% so với sản phẩm thông thường và tiêu thụ rất tốt.

Những tiền đề vững chắc phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát và bảo vệ môi trường - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại buổi tọa đàm

Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ 2020 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020. Sau một năm thực hiện, theo ông Nguyễn Như Cường, Bộ Nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai các điều kiện cụ thể phù hợp địa phương mình. Về cơ bản, các Tỉnh cũng đều có những chính sách, cơ chế để hỗ trợ việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ của nước ta hiện nay đã có những cơ sở về mặt pháp lý, chính sách, cơ chế để phát triển một cách phù hợp, bền vững, hiệu quả theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành.

Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, ông Hồng cho biết, năm vừa qua Trung tâm Khuyên nông Quốc gia cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ Nông nghiệp các cấp, từ cấp Tỉnh đến cấp cơ sở và một số nông dân tiêu biểu có nhu cầu tham gia sản xuất hữu cơ để nắm bắt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thứ 2, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã xây dựng những quy trình, tài liệu về xây dựng nông nghiệp hữu cơ để phát cho cán bộ cũng như bà con ở cơ sở. Thứ 3, Trung tâm khuyến nông Quốc gia cũng đã tuyên truyền để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó các diễn đàn khuyến nông về phát trển nông nghiệp hữu cơ, các toạ đàm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong chương trình tiếp theo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã kí hợp tác với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, hỗ trợ bao tiêu cho bà con nông dân.

Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được các doanh nghiệp, người sản xuất và người dân quan tâm không chỉ bởi sức khoẻ, lợi ích kinh tế cho người dân mà còn bởi mô hình này cũng chính là giải pháp cứu cánh cho môi trường trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên do còn nhiều khó khăn và thách thức, các cơ quan quản lý cần có thêm nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cùng tham gia phát triển, hướng tới đồng bộ, nhân rộng mô hình này thêm nữa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem