Sản xuất theo chuỗi, nông dân trồng rừng thu nhập tăng 15%

Thu Hà Thứ ba, ngày 31/10/2017 14:30 PM (GMT+7)
Tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Hỗ trợ trồng rừng và Trang trại (FFF) tại Việt Nam giai đoạn I (2015- 2017).
Bình luận 0

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam, đại diện Ban quản lý FFF Trung ương, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT); đại diện các ban đơn vị thuộc T.Ư Hội, lãnh đạo, cán bộ Hội ND, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã  (HTX) của 10 tỉnh, thành hội; các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp (DN)…

Hưởng lợi từ khai thác rừng bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều khẳng định, được sự hỗ trợ từ Chương trình Rừng và Trang trại của FAO, Hội NDVN đã triển khai Chương trình FFF từ 2015-2017. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các tổ chức trồng rừng phát triển sinh kế và tự ra quyết định trên diện tích rừng và trang trại của họ, với 3 nội dung hoạt động chính. Chương trình cũng nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; tạo diễn đàn liên ngành; chia sẻ kinh nghiệm với khu vực và quốc tế.

Theo đó, chương trình được triển khai tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên và Phú Thọ với 3 nội dung hoạt động chính. Đến nay sau 3 năm thực hiện, có hơn 2.000 hộ nông dân trồng rừng và cán bộ Hội ND đã được hưởng lợi. Từ chương trình có 14 THT, HTX với 7 chuỗi sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ, chè, bưởi, gà… được hình thành và thu nhập của các nhóm hộ này tăng từ 10 – 15% so với trước khi chưa có chương trình.

img

  Các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Hỗ trợ trồng rừng và Trang trại tại Việt Nam. ảnh: Thu Hà

Yên Bái là 1 trong những tỉnh đầu tiên thực hiện Chương trình FFF. Ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội ND tỉnh này cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình FFF, tại Yên Bái đã có 5 THT được thành lập với 31 nhóm hộ sản xuất rừng và trang trại, trong đó có 2 THT đã phát triển thành 2 HTX và có liên kết hiệu quả với các DN chế biến lâm sản.

Cụ thể ông Độ thông tin, HTX Bình Minh ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã tiến hành sản xuất rừng theo chuỗi từ trồng, chế biến và kinh doanh gỗ keo. Hiện HTX đã liên kết với Công ty Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ 1.000m2 với 10 máy xẻ, mỗi tháng sản xuất 500 – 700m3 gỗ thành phẩm. Hay như HTX Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, Trấn Yên liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam bước đầu xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ và đang chuẩn bị mặt bằng xây dựng 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm quế. Đối với 2 HTX này, thu nhập bình quân các hộ tham gia tăng từ 15 – 20%.

Kết nối nông dân với thị trường

Chương trình FFF Việt Nam được triển khai tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên và Phú Thọ. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, có hơn 2.000 hộ nông dân trồng rừng và cán bộ Hội ND được tập huấn. Từ chương trình có 14 THT, HTX với 7 chuỗi sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ, chè, bưởi, gà… được hình thành…

Tại Bắc Kạn, tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 7,2%  (năm 2016), hiệu quả thu nhập từ rừng trung bình theo chu kỳ khai thác 8 năm thu được khoảng 64 triệu đồng/ha. “Tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được 5 THT với tổng số 67 thành viên. Một trong những thành công lớn nhất của Chương trình FFF tại Bắc Kạn là từ các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, những hộ sản xuất rừng và trang trại đã liên kết với nhau sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ mang lại thu nhập cao. Tiêu biểu như THT trồng và chế biến tinh dầu hồi Thạch Ngõa ở xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) đã liên kết trồng, chế biến và chưng cất 30 – 40 lít tinh dầu hồi/tháng và tham gia đóng góp quỹ hoạt động THT 80 triệu đồng” - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn Lưu Văn Quảng chia sẻ.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận: Cách thức tiếp cận và đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại; sự điều phối và hợp tác đa ngành, giữa Hội ND, các sở ban ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan, đối tác, doanh nghiệp; những  kiến thức được học tập, áp dụng và chia sẻ…

Thạc sĩ Phạm Thế Tấn- Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Liên kết trồng rừng theo nhóm hộ hiện  được xem như là một giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức quản lý sản xuất lâm nghiệp.  Sự tham gia hợp tác của DN trong sản xuất, kinh doanh giúp cho mô hình liên kết trồng rừng theo nhóm hộ có nhiều thuận lợi để bảo đảm chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, DN cũng là nguồn cung cấp thông tin thị trường tin cậy nhất và là nhà đầu tư trách nhiệm nhất. Ưu tiên thành lập Hội chứng chỉ rừng FSC là một yêu cầu rất cần thiết và quan trọng. Bởi Hội chứng chỉ rừng mới có đủ tư cách đại diện các nhóm hộ trồng rừng xây dựng cơ chế huy động quỹ phục vụ công tác đánh giá hàng năm và cấp mới chứng chỉ; có đủ tư cách đại diện người trồng rừng đàm phán hợp đồng thu mua gỗ FSC với DN.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều thay mặt lãnh đạo T.Ư Hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu. “Tới đây, T.Ư Hội NDVN sẽ tiếp tục hỗ trợ các THT, HTX triển khai các hoạt động để củng cố, phát triển bền vững; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với DN. Đồng thời nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho THT, HTX; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội ND thông qua việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm…” - Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều khẳng định./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem