Sáng tạo để kiếm Tết: Làm chúc kiểng, hoa giấy "khủng" ở miền Tây

Thứ bảy, ngày 13/01/2018 19:30 PM (GMT+7)
Để chen chân vào thị trường cây kiểng, hoa bán Tết vốn càng ngày càng đa dạng, phong phú tới "hoa cả mắt", nhiều nông dân ở tỉnh An Giang đã phải sáng tạo bằng cách đưa những cây mới vào làm kiểng như cây chúc, hay bỏ công tạo những cây hoa giấy "khủng" trổ hoa từ gốc tới ngọn...
Bình luận 0

Càng ít “đụng hàng” càng tốt- đó là tiêu chí đầu tiên để sản phẩm kiểng chưng Tết có chỗ đứng trong thị trường. Kinh nghiệm nhiều năm sản xuất, nhà nông nào cũng thấu hiểu nỗi khổ “dội chợ”. Ngoài điều kiện thời tiết, sâu bệnh làm ảnh hưởng đến cây trồng thì thị trường tiêu thụ quyết định giá cả, lợi nhuận rất lớn. Do đó, mỗi năm đem cây kiểng, hoa cảnh bán Tết, ai nấy đều phải mày mò, nghiên cứu, sáng tạo ra nét riêng biệt cho sản phẩm.

Làm chúc kiểng

Ở ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang), từ cây chúc bán lá và trái để ăn, 3 năm nay, ông Lê Hồng Minh nghiên cứu chiết cành trồng thành cây kiểng trong chậu, uốn dáng tầng bậc thang, trở thành loại cây cảnh độc đáo chưng làm đẹp trong dịp Tết. Cây chúc vốn có mùi thơm đặc trưng được yêu thích nên khi làm cảnh được khách hàng ưa chuộng, nhất là làm quà tặng.

img

Cây chúc nổi tiếng vùng Bảy Núi  tỉnh An Giang nay được một số nhà nông “cải tạo” thành cây cảnh đặc biệt bán Tết rất chạy vì không "đụng hàng".

Ông Minh cho biết, mỗi năm ông bán được đến trăm chậu chúc cảnh, thu nhập rất cao. Năm nay, ảnh hưởng thời tiết, cây chúc không phát triển như mong đợi nên ông Minh giao sớm toàn bộ cho bạn hàng và tiếp tục gầy giống. Học theo cách làm của ông Minh, một số hộ lân cận đã trồng thành công loại cây cảnh mới đặc biệt này, chuẩn bị bán vào dịp Tết năm nay.

Theo chia sẻ của nhiều nhà nông, cây chúc trồng rất lâu ra trái nên phải chiết cành từ cây trưởng thành mọc tự nhiên, nuôi trồng chăm bẵm hơn 1 năm mới đủ cành, ra trái. Kỹ thuật khó nhất là kích cho cây kết trái nhiều theo từng chùm đẹp mắt thì bán cây chúc cảnh mới có giá cao. Một chậu chúc cảnh bình quân giá 2-4 triệu đồng.

Kỳ công trồng hoa giấy "khủng"

Trồng hoa giấy bán quanh năm, đặc biệt đầu tư mạnh để phục vụ thị trường Tết, để tạo điểm nhấn riêng, anh Nguyễn Thái Đức, xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) bỏ công tạo dáng cho từng cây để tăng giá trị thẩm mỹ lẫn giá trị về tiền bạc.

Hơn 2.000 chậu hoa giấy từ mi-ni đến cây hoa giấy đại, anh Đức kỹ công uốn nắn thành hình cây thông, hình tròn hoặc ghép cành nhiều màu khác nhau thành cây hợp nhất ra đủ các màu hoa. Ngoài ra, anh Đức còn trồng hàng ngàn chậu hoa vạn thọ để bỏ sỉ cho bạn hàng.

img

Những cây hoa giấy "khủng" ra bông từ gốc tới ngọn đầy ấn tượng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của anh Nguyễn Thái Đức

Ghép 1 cây hoa giấy có nhiều màu không còn là kỹ thuật mới lạ, người trồng hơn nhau ở kỹ thuật giúp cây trổ hoa đều, xen kẽ hài hòa, không chỉ đáp ứng nhu cầu chưng Tết đẹp nhà mà còn phải sống lâu, xứng đáng giá trị đồng tiền người mua bỏ ra.

Ngoài thành công với các kiểu ghép cây hoa giấy nhiều màu, anh Đức còn tạo dáng cho những chậu hoa giấy lớn cao hơn 3m, chọn giống hoa giấy có màu sắc tươi sáng như: màu xác pháo, màu đỏ tươi, màu vàng, cam

So với cây hoa giấy được bán tại chợ, đa phần là lấy từ các địa phương khác, anh Đức bỏ sỉ hoặc bán tại chỗ với giá thành cạnh tranh hơn nên đầu ra luôn thuận lợi. Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, nhưng hiện đã có khá nhiều bạn hàng đặt cọc mua hoa giấy cảnh với số lượng lớn tại vườn của anh Nguyễn Thái Đức.

Nông dân ngày nay 1 mặt nâng cao kỹ thuật để tăng chất lượng cho sản phẩm, mặt khác còn linh hoạt kết nối với nhiều khách hàng nhằm bán được sản phẩm với giá tốt. Tận dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo…nhiều nhà nông đăng tải sản phẩm hoa, cây cảnh để tiếp cận khách hàng rộng hơn, giảm chi phí...

Với cách làm này, anh Nguyễn Thái Đức luôn cập nhật những hình ảnh mới nhất vườn hoa của mình, từng mẫu cây vừa hoàn thiện kèm lời giới thiệu. Nhờ vậy, khách hàng của anh Đức không còn bó hẹp trong tỉnh mà được nhiều người ở xa biết đến, đặc biệt những khách lẻ mua hoa với giá cao.

Là cơ sở vừa có quy mô lớn về chủng loại, vừa có tiếng vì kinh nghiệm tự nhân giống và trao đổi nhiều loại lan hiếm, bà Huỳnh Thị Phượng ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang) có lượng khách hàng đáng kể nhờ mạng xã hội Facebook.

Ngoài khách sỉ và lẻ, bà dành thời gian với chiếc điện thoại để tư vấn, bán cho khách qua Zalo, bà Phượng còn kết nối với nhiều nguồn trong và nước ngoài để trao đổi, mua về những loại hoa lan quý hiếm, được săn đón nhiều trong dịp Tết.

Bà Phượng cho biết, từ nhiều tháng qua đã “đón đầu” thị trường để mua về các loại lan đẹp, hoa to “trữ” sẵn. Riêng phục vụ những người chơi lan chuyên nghiệp, bà theo dõi trên mạng để nắm bắt xu hướng, sau đó trao đổi hoặc tự nhân giống những loại bán được giá thành cao, có mùi thơm, lạ…giúp nguồn cung phong phú.

Mỹ Hạnh (TTMT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem