Sắt thép Trung Quốc dồn dập đổ về Việt Nam, kim ngạch tăng gấp đôi cùng kỳ

23/08/2024 12:20 GMT+7
Theo Tổng cục hải quan, tính riêng trị giá sắt thép các loại nhập khẩu từ Trung Quốc 7 tháng qua đã đạt 4,15 tỷ USD, gấp đôi so với mức nhập khẩu của cùng kỳ năm 2023.

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024, theo đó, trong 7 tháng/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 64,66 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam xuất siêu hơn 14,5 tỷ USD

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2024 thặng dư 2,36 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024 mức thặng dư thương mại hàng hóa là 14,53 tỷ USD, thấp hơn 1,97 tỷ USD so với mức thặng dư 16,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Sắt thép Trung Quốc dồn dập đổ về Việt Nam, kim ngạch tăng gấp đôi cùng kỳ - Ảnh 1.

Sắt thép Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam (Ảnh: VSA).

Hoa Kỳ là đối tác chiếm 29% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, các đối tác còn lại là EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về xuất khẩu, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2024 đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 31,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 7 nhóm hàng tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đó là, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,93 tỷ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 4,76 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,68 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,69 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,59 USD; giày dép các loại tăng 1,22 tỷ USD và hàng dệt may tăng 1,2 tỷ USD. Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu 7 nhóm hàng này tăng tới 23,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính, là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, 7 tháng qua đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang các thị trường như Hoa Kỳ với 13,19 tỷ USD, tăng 50,8%, EU với 5,45 tỷ USD, tăng 59,4%; Hồng Kông với 4,51 tỷ USD, tăng 70,8%; Hàn Quốc với 2,99 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong 7 tháng/2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 20,5% (tương ứng tăng 4,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt may trong 7 tháng/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 20,27 tỷ USD, tăng 6,3% (tương ứng tăng 1,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam, đạt 8,93 tỷ USD, tăng 5,5%; EU (27 nước) đạt 2,82 tỷ USD, tăng 3,5%; Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giày dép các loại trong 7 tháng/2024, xuất khẩu giày dép các loại là 12,86 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 1,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 4,72 tỷ USD, tăng 15,2%; EU (27 nước) là 3,77 tỷ USD, tăng 14,4%; Trung Quốc là 1,1 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thủy sản trong 7 tháng/2024, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 964 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản là 840 triệu USD, tăng 0,1%; Trung Quốc là 837 triệu USD, tăng 11,6%; EU (27 nước) là 596 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu sắt thép tăng vọt

Về nhập khẩu hàng hóa, trong 7 tháng/2024, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 212,96 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 33,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,52 tỷ USD (tương ứng tăng 29,4%); máy móc ,thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 3,81 tỷ USD (tương ứng tăng 16,5%); sắt thép các loại tăng 1,28 tỷ USD (tương ứng tăng 22,9%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,12 tỷ USD (tương ứng tăng 26,3%).

Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ đạt 13,38 tỷ USD, tăng 62,7%, tương ứng tăng 7,47 tỷ USD; từ Hàn Quốc với 17,78 tỷ USD, tăng 20,8%, tương ứng tăng 3,06 tỷ USD; từ Đài Loan với 7,34 tỷ USD, tăng 27,7%, tương ứng tăng 1,59 tỷ USD.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ các thị trường: Trung Quốc đạt 15,74 tỷ USD, tăng 29,2%, tương ứng tăng 3,6 tỷ USD; từ Hàn Quốc đạt 3,17 tỷ USD, xấp xỉ với trị giá nhập khẩu của 7 tháng/2023; từ Nhật Bản đạt 2,21 tỷ USD, giảm 4,4%, tương ứng giảm 102 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam cũng ghi nhận nhập khẩu lượng than đá lớn đạt 40,48 triệu tấn, tăng 36,9%; lượng dầu thô nhập khẩu đạt 8,04 triệu tấn, tăng 15,9%; lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 6,19 triệu tấn, tăng 1,1% so với 7 tháng/2023.

Đáng chú ý, về nhập khẩu mặt hàng sắt thép các loại và sản phẩm sắt thép, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, các loại và sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 1,51 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước, tương ứng tăng 22 triệu USD so với tháng trước.

Tính chung trong 7 tháng/2024, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước đạt 10,52 tỷ USD, tăng 23,5%, tương ứng tăng gần 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Sắt thép các loại và sản phẩm nhập khẩu về nước ta có xuất xứ chủ yếu từ 5 thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Inđônêxia.

Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất (63%) với trị giá là 6,67 tỷ USD, tăng 1,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,31 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tính riêng trị giá sắt thép các loại nhập khẩu từ thị trường này là 4,15 tỷ USD, gấp đôi so với mức nhập khẩu của cùng kỳ năm 2023.

An Linh
Cùng chuyên mục