Sau 22 ngày ngập, lụt: Chủ tịch huyện Chương Mỹ nói gì?

Thành An Thứ ba, ngày 07/08/2018 19:50 PM (GMT+7)
“Tinh thần trách nhiệm của người dân rất cao. Chỉ một tiếng chuông, tiếng kẻng reo lên thôi là người dân ra hộ đê” – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nói tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội chiều nay.
Bình luận 0

Chiều nay (7.8), tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, các huyện ngoại thành Hà Nội bị ngập, úng đã báo cáo về tình hình mưa, lũ gây ra. 

img

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 7.8, các huyện ngoại thành Hà Nội bị ngập, úng đã báo cáo về tình hình mưa, lũ gây ra.   Ảnh: Thành An

Bác thông tin ngập do Thủy điện Hòa Bình xả lũ

Tại đây, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Hà Nội lý giải nguyên nhân một số nơi bị ngập sâu, dài ngày.

Theo đó, ông Chu Phú Mỹ thông tin, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng của một số huyện của Hà Nội vừa qua là do tình trạng mưa lũ lớn, nước ở Hòa Bình tràn về. 

Cụ thể, mưa ở huyện Kim Bôi và huyện Lương Sơn của Hòa Bình rất lớn. Tại huyện Lương Sơn nước chủ yếu đổ về sông Bùi rồi tràn về huyện Chương Mỹ dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như nhiều ngày qua tại huyện Chương Mỹ. Còn lượng mưa lũ lớn từ  huyện Kim Bôi tràn về Mỹ Đức.

img

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Ảnh: Thành An

Bên cạnh đó, việc thoát nước của sông Bùi phụ thuộc vào sông Tích và sông Đáy: “sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy. Tuy nhiên, sông Đáy là đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). Song một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế” – ông Mỹ cho hay.

Ngoài ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Đặc biết, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh: “Không có chuyện một số huyện của Hà Nội ngập là do hồ Thủy điện Hòa Bình xả lũ”.

Tự giác, trách nhiệm và chủ động

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: trong đợt mưa, lũ vừa qua chưa bao giờ một tinh thần tự giác, trách nhiệm và chủ động của người dân lại lên cao như vậy.

Theo đó, đêm ngày 21.7, chỉ cần một tiếng thông báo nước dâng thì có khoảng 300 người dân xã Đông Sơn đã có mặt nâng cao mặt đê tả Tích, tả Bùi. Đêm ngày 30.7, người dân phối hợp với lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn hiệp đồng tác chiến, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ đã nâng đê Bùi từ 10 phân (cm) lên 80 cm. Nếu nước dâng 10 thì đê được nâng lên 60 cm.

“Tinh thần trách nhiệm của người dân rất cao. Chỉ một tiếng chuông, tiếng kẻng reo lên thôi là người dân ra hộ đê” – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh.

img

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 7.8. Ảnh: Thành An

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: nước đã rút, hiện chỉ còn xoay quanh khoảng 1.000 hộ ngập. Thời điểm này chính quyền các cấp phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về công tác an ninh trật tự, không để xảy ra trộm cắp nhất là khu vực bà con đang chịu cảnh ngập úng; tập trung ổn định đời sống của nhân dân; tập trung hàng cứu trợ của thành phố.

Theo người đứng đầu UBND huyện Chương Mỹ, tính đến hôm nay (7.8) ngập, lụt đã kéo dài đến ngày thứ 22 (bắt đầu từ ngày 17.7 – PV). Do đó, việc đầu tiên là phải tập trung ổn định đời sống của nhân dân.

“Toàn bộ hàng cứu trợ chúng tôi chuyển đến từng hộ gia đình để đảm bảo không có trường hợp nào đói, không có trường hợp khát” – ông Hùng nói.

Liên quan đến việc cấp điện cho người dân vùng ngập, ông Hùng cho hay: “Khi các hộ ngập đến đâu thì chúng tôi ngắt điện đến đó, để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Khi cắt điện thì cung cấp nến còn nước rút đến đâu thì kiểm tra độ an toàn để cấp điện lại cho bà con sinh hoạt bình thường”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ khẳng định đến thời điểm này chưa có dịch bệnh xảy ra, hiện người dân được khám bệnh, cung cấp thuốc miễn phí. “Khi nước rút đến đâu thì huy động quân đội, công an, sinh viên cùng dọn dẹp, đảm bảo không có dịch bệnh xảy ra. Năm 2017 không xảy ra, tin rằng năm nay cũng không xảy ra” – ông Hùng cho hay.

Mực nước sông Bùi, sông Tích ở mức cao: Chủ động di dời người dân ra khỏi vùng trũng

Cũng tại họp báo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, hiện mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao, do vậy để hạn chế mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện trong khu vực sông nói trên cần chủ động thực hiện phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực vùng trũng, thấp, các vị trí nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. 

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cũng cho thấy, tình hình ngập úng tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên tại huyện Chương Mỹ tình hình ngập úng vẫn còn khá nghiêm trọng ở một số địa bàn như Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ...

Tại huyện Chương Mỹ, tính đến nay 6/8 còn 7 xã là Mỹ Lương, Quảng Bị, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến vẫn trong tình trạng nước ngập, với 1.241 hộ dân bị ảnh hưởng.

Huyện Quốc Oai, tính đến này 6/8 chỉ còn 2 xã là Phú Cát, Liệp Tuyết với 47 hộ dân bị ảnh hưởng ( chủ yếu ngập ở sân và vườn). Huyện Mỹ Đức, đến ngày 6/8 chỉ còn 3 xã là Phúc Lâm, Lê Thanh, Hương Sơn với 97 hộ bị ảnh hưởng .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem