Ấn Độ ra đòn hiểm, "cấm cửa" TikTok và hàng loạt ứng dụng Trung Quốc
Theo một tuyên bố mới phát hành, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã quyết định chặn 59 ứng dụng vì quan ngại hoạt động của các ứng dụng này có nguy cơ gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự công cộng đất nước cũng như quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ.
Ứng dụng video nổi tiếng thế giới TikTok được cung cấp bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance cũng nằm trong số các app bị chính phủ Ấn Độ cấm cửa. Theo thống kê của Sensor Tower, đã có hơn 2 tỷ lượt download ứng dụng TikTok trên toàn cầu. Trong đó, khoảng 30% đến từ thị trường Ấn Độ. TikTok hiện chưa phản hồi về việc bị chặn tại thị trường dân số lớn nhất thế giới.
Hồi tháng 5/2019, Ấn Độ từng cấm công dân tải xuống ứng dụng TikTok trong hai tuần sau khi tòa án nước này ra phán quyết rằng ứng dụng video có thể tiếp tay cho nạn tấn công tình dục trẻ em, ấu dâm… TikTok sau đó đã kháng cáo và thành công đảo ngược lại phán quyết của tòa.
Cùng với TikTok, chính phủ Ấn Độ cũng cấm truy cập vào các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc bao gồm mạng xã hội WeChat, ứng dụng nhắn tin Weibo...
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Theo nguồn tin từ phía Ấn Độ, ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc hồi đầu tháng này tại khu vực biên giới Ladakh, Himalaya đối diện Tây Tạng. Đây là lần xung đột tồi tệ nhất và là lần chứng kiến thương vong đầu tiên của hai bên kể từ năm 1975 đến nay. Cả hai nước đã cáo buộc quân đội đối phương di chuyển vượt qua ranh giới lãnh thổ.
Ngay cả trước khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm, người dùng Ấn Độ đã chia sẻ rộng rãi một app “tìm diệt” các ứng dụng Trung Quốc mang tên Remove China App. App này từng lọt top các app phổ biến nhất tại thị trường Ấn Độ với hơn 1 triệu lượt download chỉ trong 10 ngày ra mắt. Nhà phát triển Remove China App, công ty OneTouch AppLabs cho biết ứng dụng này được phát triển với mục đích giúp người dùng phát hiện và xóa bất cứ app nào được cài trong smartphone của họ có liên kết với Trung Quốc. Ứng dụng này sau đó đã bị Google gỡ khỏi Google Store do “cố gắng đánh lừa người dùng hoặc kích động hành vi không trung thực”.
Một ứng dụng phổ biến khác tại Ấn Độ là Mitron, nền tảng chia sẻ video trực tuyến tương tự như TikTok cũng bị Google gỡ bỏ. Trước đó, Mitron được quảng cáo là sự đáp trả TikTok của Trung Quốc), và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Ấn Độ với hơn 5 triệu lượt download trong chưa đầy 2 tháng.
Không riêng các ứng dụng, hàng ngàn sản phẩm Trung Quốc khác cũng bị người dân Ấn Độ “tẩy chay” trong một chiến dịch có tên #BoycottChineseProducts kể từ khi căng thẳng biên giới bùng nổ đến nay.