Sau hiệp định EVFTA vẫn còn mồ hôi và nước mắt
Trong hàng núi những lời ca ngợi về hiệp định này, tôi đặc biệt chú ý đến một phát biểu lẻ loi, gần như cô độc của một nữ doanh nhân từ Cần Thơ trong một cuộc hội thảo cuối tuần trước. Chị hỏi: “Khi doanh nghiệp EU vào, họ có thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam không? Doanh nghiệp chúng tôi cần chuẩn bị gì để không đánh mất mình?”…
Không ai trả lời trực tiếp câu hỏi của chị. Nhưng đó là câu hỏi cốt tử, liệu doanh nghiệp có giữ được mình trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt trước khi được hưởng nào những ưu đãi thuế, nào những tiếp cận thị trường….
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thực sự yếu về mọi mặt, non trẻ về tuổi đời. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, chắc hẳn một tỷ lệ không nhỏ đang ngắc ngoải, đòi hỏi phải có hồi sức, cấp cứu ngay.
Tôi đặc biệt chú ý đến lời Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân. Ông than: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng chúng tôi chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Chúng tôi không khỏi lúng túng, trăn trở vì nguồn vốn rất hạn chế, trong khi các điều kiện theo quy định của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa... là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn”.
Đó không phải thách thức duy nhất. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Khi chúng ta mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh rất cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp, các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ sản xuất nội địa và EU cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí EU là một thị trường thường xuyên sử dụng các công cụ này, cho nên đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Người ta e ngại rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như hiện nay chưa sẵn sàng để bắt đầu cuộc chơi EVFTA lớn này. Trong khi đó, các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước EU không hề dễ dàng, ngay cả đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có hàng hóa xuất khẩu sang các nước EU cũng gặp phải các rào cản không hề nhỏ, khi hàng hóa của họ bị rào cản của các quy định về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, các quy định về bảo vệ môi trường… chi phối.
Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào quá trình thực thi hiệp định.Trong khi đó, có rất nhiều quy định rất chặt chẽ trong hiệp định, chẳng hạn quy tắc xuất xứ. Quy tắc này rất chặt chẽ vì “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại hiệp định.
Hiện nay, ngành vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.
Điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và hưởng ưu đãi là được sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (quốc gia đã có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ nhập khẩu vải từ Hàn Quốc hiện chưa cao, doanh nghiệp đang ưu tiên nhập vải từ Trung Quốc do giá thấp hơn, lại có lợi thế hơn về địa lý và mẫu mã phong phú đa dạng.
Trong khi đó, Bộ Công thương cảnh báo, các địa phương không chào đón các dự án dệt nhuộm rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may khiến cho ngành khó có thể tự chủ được nguyên liệu để đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi ích về thuế suất.
Đó là chưa nói đến một số thách thức trong ngắn hạn như: cạnh tranh gay gắt từ các nước vẫn đang được hưởng thuế ưu đãi 0%; sau Covid-19, tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, nhu cầu mua sắm giảm xuống do người dân tiết kiệm chi tiêu hơn; Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị ở phân khúc cao cấp…
EU là thị trường có sức mua lớn với dân số trên 500 triệu người tiêu dùng, và đang là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và trên Trung Quốc, các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khi EVFTA được đưa vào thực thi, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại, Hiệp định sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
Đó là điều chúng ta vui mừng lâu nay, nhất là khi Quốc hội sẽ phê duyệt hiệp định trong ngày hôm nay để bắt đầu đi vào thực thi trong 2 tháng tới. Nhưng đừng quên rằng, phía sau của tấm huy chương luôn có mồ hôi và nước mắt nữa.