Sẽ có nhãn chỉ dẫn địa lý quốc gia

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 12/09/2014 16:02 PM (GMT+7)
Việt Nam được biết đến là quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp với 38 sản phẩm đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhưng trên thực tế các sản phẩm này vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa tạo được giá trị cao cho nông dân và chưa khai thác được giá trị do chỉ dẫn địa lý mang lại.
Bình luận 0

Yếu kém khâu quản lý, quảng bá sản phẩm

Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, với 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) thì Việt Nam đang đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Đáng buồn là việc khai thác, quảng bá CDĐL được bảo hộ còn rất nhiều hạn chế do năng lực quản lý và quảng bá sản phẩm của chúng ta còn yếu kém. Một sản phẩm nông sản được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam thường gắn với một vùng, thuộc sở hữu của một vùng, miền, nhưng do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lại thiếu kinh phí, thậm chí một số hiệp hội còn không mấy mặn mà với việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm được bảo hộ CDĐL, do chưa nhận thức được hết lợi ích mà bảo hộ CDĐL mang lại.

Đơn cử như sản phẩm gạo, mặc dù chúng ta xuất khẩu với sản lượng lớn nhất nhì thế giới, nhưng giá bán trung bình chỉ đạt 400-450 USD/tấn, trong khi các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam chỉ cần qua công đoạn chế biến (sàng, lọc, đánh bóng, gắn nhãn mác – thương hiệu riêng của họ) là giá gạo đã được đẩy lên gấp 2-3 lần. Cũng do không được chế biến sâu và không có thương hiệu riêng nên đến nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất thô sang các thị trường dễ tính như Philippines, Trung Quốc, các nước Trung Đông, châu Phi…

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho biết, đến nay Cục đã cấp chứng nhận CDĐL cho 38 sản phẩm nông sản và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm các sản phẩm khác đủ điều kiện cấp chứng nhận. Mong muốn của ngành sở hữu trí tuệ là sau khi cấp chứng nhận, các sản phẩm nông sản ngày càng có uy tín hơn trên thị trường trong nước và thế giới để có cơ hội xuất khẩu.

Trên thực tế, một số sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận CDĐL như bưởi Đoan Hùng, tỏi Lý Sơn, nước mắm Phú Quốc…, giá trị thương mại đã tăng từ 30 – 50%, thậm chí có sản phẩm tăng thêm 70 - 100% giá trị, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng chỉ có tên tuổi ở “sân nhà”, một vài sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng số lượng rất khiêm tốn, chưa thể tạo dựng được tên tuổi trên thị trường thế giới. Một số sản phẩm vừa được thế giới biết đến thì đã vấp ngay phải sự vi phạm bản quyền trắng trợn như nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột…

Sẽ có nhãn chỉ dẫn địa lý quốc gia

Hiện nay, CDĐL đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để họ quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ CDĐL trên thị trường.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, để khai thác tốt hơn CDĐL, Bộ KHCN đã giao Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng “Nhãn CDĐL quốc gia”. Theo đó, trên những sản phẩm đã được cấp chứng nhận CDĐL sẽ được dán nhãn CDĐL quốc gia và để người tiêu dùng dễ phân biệt, các sản phẩm này sẽ có thêm nhãn CDĐL của khu vực và có thể có cả nhãn CDĐL của doanh nghiệp.



Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng  
 Với dự án tài trợ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) giúp 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đẩy mạnh bảo hộ CDĐL để giúp xóa đói giảm nghèo cho nông dân, Bộ đã giao cho Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng một loại nhãn chỉ dẫn địa lý quốc gia nhằm giúp doanh nghiệp, hiệp hội quảng bá tốt sản phẩm ở thị trường trong nước và thế giới.
 
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm nông sản có thương hiệu được gắn nhãn CDĐL sẽ tăng niềm tin cho người tiêu dùng lên gấp nhiều lần. Khi mua một sản phẩm có CDĐL, họ sẽ biết sản phẩm được xuất xứ từ đâu và chắc chắn các sản phẩm đó đã đạt các tiêu chuẩn, chất lượng như đăng ký, được cơ quan giám sát thông qua.

 

“Ngoài việc hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký CDĐL cho các mặt hàng nông sản ở trong nước, trong khu vực cũng như trên thế giới, Cục Sở hữu trí tuệ cũng tiến hành nghiên cứu thị trường mục tiêu cho các sản phẩm của doanh nghiệp. Sau đó giúp doanh nghiệp hoàn thiện bao bì sản phẩm và kênh tiêu thụ thử ban đầu để làm căn cứ cho doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ ra thế giới” - ông Nguyễn Đức Dũng cho biết.

Tại Hội thảo Sở hữu trí tuệ và thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc dành cho các nước thuộc ASEAN, do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức mới đây, bà Francesca Toso - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khuyến cáo: “Khi một quốc gia cam kết phát triển hệ thống CDĐL và có sự thành công của một sản phẩm nào đó, chắc chắn quốc gia đó sẽ mở rộng được hệ thống này với hàng loạt sản phẩm khác nữa. Đây là một phần của chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ mà các nước đang hướng tới. Khi tham gia chiến lược này, Việt Nam sẽ không chỉ phát triển, đa dạng hóa sản phẩm mà còn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào nhiều thị trường khó tính”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem