Sẽ có viện nghiên cứu bán dẫn tại ĐH Quốc gia TP.HCM

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 16/03/2024 07:08 AM (GMT+7)
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp với Synopsys để phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn. Đây sẽ là nơi cung cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu và là trung tâm kết nối, phát triển hợp tác lĩnh vực bán dẫn với doanh nghiệp, viện, trường đại học trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Ngày 16/3, thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác với Tập đoàn công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc ký kết lần này đóng vai trò rất quan trọng, góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Sẽ có viện nghiên cứu bán dẫn tại ĐH Quốc gia TP.HCM- Ảnh 1.

Trong tương lai gần, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có viện nghiên cứu bán dẫn phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Ảnh: VNU

Về nội dung ký kết hợp tác, Synopsys sẽ chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, giúp giải quyết thách thức về chương trình đào tạo và công cụ thực hành.

Synopsys cũng sẽ tiếp nhận sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đến thực tập và giới thiệu cơ hội việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại ĐH Quốc gia TP.HCM với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với việc hợp tác này sẽ giúp giải quyết thách thức về chỗ thực tập thực tế, cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp.

Đối viowis đội ngũ giảng viên, Synopsys sẽ hỗ trợ ĐH Quốc gia TP.HCM bồi dưỡng giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn "Train-the-Trainer". Giảng viên của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ làm việc tại Synopsys trong thời gian 4 tháng để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn.

Được biết, ĐH Quốc gia TP.HCM đã cử 3 giảng viên từ Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin tham gia khóa đầu tiên.

Sẽ có viện nghiên cứu bán dẫn tại ĐH Quốc gia TP.HCM- Ảnh 3.

ĐH Quốc gia TP.HCM kỳ vọng sẽ đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch từ nay đến năm 2030. Ảnh: VNU

Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp phát triển Viện nghiên cứu bán dẫn ĐH Quốc gia TP.HCM (tên tiếng Anh là VNUHCM Semiconductor Research Institute – VSRI). Viện này dự kiến sẽ trở thành nơi cung cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu dùng chung cho các trường ĐH, các công ty khởi nghiệp và là trung tâm kết nối, phát triển hợp tác lĩnh vực bán dẫn giữa ĐH Quốc gia TP.HCM với doanh nghiệp, viện, trường ĐH trong và ngoài nước.

Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, khi Viện nghiên cứu bán dẫn được đưa vào sử dụng sẽ giúp giải quyết thách thức về phòng thí nghiệm thực hành, không chỉ trong phạm vi của ĐH Quốc gia TP.HCM mà cho các trường ĐH trong khu vực.

Ngoài những nội dung trên, Synopsys còn hỗ trợ kết nối để ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đối tác toàn cầu của Synopsys. Đồng thời trao đổi, thúc đẩy các đối tác này xây dựng trung tâm R&D (Research and Development - Nghiên cứu và phát triển) tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này giúp giải quyết thách thức về cơ hội việc làm cho sinh viên, cơ hội hợp tác nghiên cứu, phát triển giữa ĐH Quốc gia TP.HCM với các doanh nghiệp.

ĐH Quốc gia cho biết, việc hợp tác với Synopsys được kỳ vọng sẽ giúp đơn vị này đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem