“Sẽ đấu giá công khai Sài Gòn One Tower trong năm nay”

Trần Giang Thứ tư, ngày 23/08/2017 18:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản TCTD (VAMC) cho biết trong năm nay sẽ tổ chức đấu giá công khai tài sản thế chấp của Công ty CP Sài Gòn One Tower để thu hồi vốn cho ngân hàng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết lý do thu giữ tài sản đảm bảo của Sài Gòn One Tower là vì khách hàng này không có kế hoạch rõ nét để trả nợ.  

Tạo tiền lệ tốt trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

“Đây là món thu giữ đầu tiên theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu các TCTD của Quốc hội theo quy định của pháp luật. Việc thu giữ này để thu nợ cho ngân hàng và giảm nợ xấu theo mục tiêu của Chính phủ cũng như của NHNN. Ngoài ra, việc thu giữ tài sản để tạo ý thức cho cả TCTD, khách hàng và cho cả cơ quan chức năng. Vừa rồi các cơ quan chức năng như UBND, lực lượng công an... phối hợp rất nhiệt tình, rất tốt, trách nhiệm. Đây là bước đầu thành công”, ông Đông cho biết.

VAMC dự kiến sẽ xử lý tài sản đảm bảo của nhóm khách hàng này thế nào?

- Thực tế, trước khi mua món nợ xấu này về VAMC có các phương án tái cấu trúc như thế nào, cơ cấu thế nào, xử lý thế nào... Nay khi thu giữ tài sản rồi thì cần phải có các phương án tiếp theo, rất chi tiết và có sự tham gia của các cấp, các ngành.

img

Dự án của Sài Gòn One Tower (Ảnh: Internet)

Dự kiến trong năm nay sẽ thực hiện các quy trình để bán đấu giá công khai trên thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. VAMC sẽ mời cả Toà án nhân dân tối cao, cơ quan công an, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao tham gia vào phương án xử lý trước khi xử lý nợ xấu. Vì đây là món nợ lớn, nên VMAC cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý sao cho đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, sau khi xử lý xong sẽ tạo tiền lệ tốt cho các trường hợp sau.

Được biết, Sài Gòn One Tower còn có những căn hộ. Vậy quyền lợi của những người mua căn hộ tại dự án này sẽ được xử lý thế nào?

- Chưa thể nói trước được trong vấn đề về người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến chủ đầu tư. Cái đó sẽ phải tách riêng ra. Đầu tiên là chủ đầu tư đã thế chấp dự án để vay ngân hàng và tiền ngân hàng đã bỏ ra để xây toà đấy là có thực.

Thực tế, chủ đầu tư của dự án này là một nhóm cổ đông, do vậy, nếu nhóm cổ đông này có thực hiện mua bán trước phần căn hộ thì VAMC cũng không biết được. Trong trường hợp, nếu có những giao dịch mua bán trước ở phần căn hộ thì được giải quyết theo quy định của pháp luật. Bởi đây là phần trách nhiệm của chủ đầu tư với những người có liên quan. Và VAMC không biết được những giao dịch kiểu nhận tiền của chủ đầu tư với một khách hàng A, hay khách hàng B nào đấy. Nếu chủ đầu tư có nhận tiền của những khách hàng này thì họ phải có trách nhiệm với những khách hàng đó trước pháp luật.

Sắp tới, khi VAMC phát mại tài sản theo đấu giá công khai thì những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ phải xuất đầu lộ diện và lúc ấy sẽ phải xem xét theo theo đúng pháp luật. Còn dự án này đã được chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và ngân hàng cho vay là có thật. Việc phát mại tài sản sẽ nhằm mục đích chính là thu hồi vốn cho ngân hàng, nếu còn thừa tiền sẽ chuyển cho chủ đầu tư để xử lý những vấn đề có liên quan.

Trong thời gian tới, có bao nhiêu trường hợp sẽ được xử lý theo phương án thu giữ tài sản như Sài Gòn One Tower?

- Tới đây, trong quá trình rà soát, phân loại như thế và trường hợp nợ xấu mà khách hàng không hợp tác, không có ý thức trả nợ, không có phương án trả nợ khả thi... buộc giao lại dự án cho đối tác khác khai thác.

Việc làm này nhằm giải quyết vốn cho ngân hàng tái đầu tư cho nền kinh tế. Thứ 2 là khi chủ đầu tư cũ không đủ nguồn lực triển khai tiếp và để dự án đắp chiếu 5 – 7 năm, không có phương án trả nợ khả thi, thì cũng nên giao cho chủ đầu tư khác có tiềm lực để chính dự án đấy, bất động sản đấy được hoàn thiện để cung ứng ra thị trường. Đây cũng là một nguồn lực nữa cho nền kinh tế.

Sẽ xử lý được hơn 20 nghìn tỷ nợ xấu trong năm nay

Từ nay đến cuối năm VAMC sẽ xử lý được bao nhiêu nợ xấu trong số nợ xấu đã mua về?

- Xử lý được 10% trong số đấy, tương đương khoảng 20 nghìn tỷ đồng và có thể vượt kế hoạch một chút. Năm nay chắc chắn là làm được vì từ đầu năm đến nay đã xử lý được 9.000 tỷ đồng nợ xấu rồi. Đến cuối năm chắc xử lý được khoảng 23 – 25 nghìn tỷ đồng và có thể còn cao hơn nhờ hiệu ứng Nghị quyết 42 của Quốc hội, các ngành các cấp vào cuộc.

Kết quả xử lý nợ xấu sẽ có kết quả rõ nét hơn trong quý IV.2017.

Hiện VAMC đang xử lý nợ xấu, những vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội như thế nào?

- Vừa rồi chúng tôi đã tổ chức phân tích, phân loại những món nợ xấu đã mua về đây (còn khoảng 230 nghìn tỷ đồng), để nắm rõ thực trạng của nợ xấu của doanh nghiệp, cá nhân, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu... để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

img

Ông  Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC (Ảnh: Minh Huệ)

Ví như sắp tới đây sẽ có những cuộc làm việc trực tiếp tại một số địa bàn trọng điểm có nhiều trường hợp vướng mắc ở toà án, trong thi hành án như Hà Nội, TP.HCM...

Cụ thể, lãnh đạo của VAMC cùng với lãnh đạo của tổng cục thi hành án sẽ đến nghe trực tiếp ở địa phương báo cáo, TCTD liên quan báo cáo...

Hiện hai bên đang bàn và lên lịch làm việc. Những trường hợp có thể xử lý được ngay tại cuộc họp do vướng mắc về quan điểm, nhận thức không giống nhau thì sẽ đưa ra giải pháp ngay tại chỗ, chốt thời gian và trách nhiệm cụ thể của các bên. Từ đó xem xét cái nào thuộc trách nhiệm của TCTD thì TCTD phải xử lý, cái nào của thi hành án thì thi hành án phải làm, để sao cho nợ xấu được giải phóng một cách nhanh chóng.

Nếu được tăng vốn theo đúng lộ trình, VAMC có thể xử lý được bao nhiêu nợ xấu trong tổng số nợ xấu đã mua về?

- Theo đề án nâng cao năng lực tài chính của VAMC trình Thủ tướng Chính phủ, nếu VAMC được cấp đủ vốn theo đúng tiến độ, thì sau 5 năm, đến năm 2022, tự VAMC xử lý được 35 nghìn tỷ đồng trong tổng số nợ đã mua.

Theo đề án tái cơ cấu các TCTD và  xử lý nợ xấu trình Chính phủ, trong năm nay VAMC sẽ được cấp vốn lên 2.000 tỷ đồng, năm 2018 được cấp tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng và đến năm 2020 được cấp vốn lên 10.000 tỷ đồng.

Mục tiêu tăng năng lực tài chính của VAMC là để xử lý nợ xấu, sao cho sau 5 năm, khi hết thời điểm thí điểm Nghị quyết 42 của Quốc hội, có được những kết quả rõ nét. Sau đó VAMC sẽ trực tiếp xử lý nợ xấu trên thị trường tài chính nói chung.

Việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường hiện với VAMC có vướng mắc gì không?

- Mua nợ xấu theo giá thị trường, đối với VAMC thì phải thận trọng, nhận diện hết rủi ro trong quá trình mua. Thứ nhất là rủi ro về mặt pháp lý, trong cả hồ sơ nợ của khách hàng, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Thứ hai là tính thanh khoản. Cụ thể, khoản nợ mua về bao giờ cũng có phương án tái cấu trúc lại chính doanh nghiệp hay khoản nợ đó để giúp họ phục hồi và có tiền trả nợ. Trường hợp nếu họ không có khả năng phục hồi thì phải có tài sản đảm bảo và có thể xử lý được tài sản đảm bảo đó để thu hồi nợ, tối thiểu là phải bảo toàn được vốn. Phương án thứ 3, nếu 2 phương án trên không thực hiện được thì mình phải tìm đối tác để mua lại.

Thực tế, hiện chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Để hình thành thị trường mua bán nợ xấu, chính công ty đang phân tích, phân loại kể cả xây dựng hệ thống thông tin rất chi tiết để liên kết được với các TCTD có nợ xấu để cập nhật thông tin.

Muốn “mang hàng ra chợ” thì phải minh bạch thông tin như khách hàng như thế nào, khoản nợ thế nào, tài sản đảm bảo ra sao, tình trạng pháp lý thế nào, tình trạng hoạt động ra sao...

Đã là nợ xấu thì phải đưa ra thông tin đầy đủ như thế, có đầy đủ thông tin thì họ mới tìm hiểu và quyết định mua hay không. Nếu đối tác nào có điều kiện khắc phục, triển khai tiếp thì tham gia mua lại doanh nghiệp, dự án.

Khi có đầy đủ thông tin như thế thì mới dần hình thành thị trường mua bán nợ, hàng thì có sẵn rồi.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem