SEA Games 32: Cầu mây nữ Việt Nam tìm lại ánh hào quang sau 20 năm

Minh Đức - Viết Niệm Thứ hai, ngày 24/04/2023 12:10 PM (GMT+7)
Kể từ tấm HCV nội dung biểu diễn tâng cầu (hoop) SEA Games 2003 đến nay, cầu mây Việt Nam chưa thể một lần nữa bước lên bục cao nhất. HLV trưởng ĐT cầu mây nữ Việt Nam Trần Thị Vui hy vọng thế hệ học trò sẽ tìm lại ánh hào quang tại SEA Games 32.
Bình luận 0

"Tấm HCV thế giới là điểm tựa cho SEA Games 32"

Cầu mây là một trong số ít môn mà để giành được HCV SEA Games khó không thua gì HCV ASIAD và thế giới. Đơn giản, Thái Lan lâu nay luôn đứng ở vị trí số 1. Myanmar cũng rất mạnh và các nước khác trong khu vực thời gian qua đều có sự tiến bộ.

Gần nhất, tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam, cầu mây Việt Nam cũng chỉ có thể giành 3 HCB, 3 HCĐ. 3 HCB của cầu mây nữ Việt Nam tại SEA Games 31 ở các nội dung đồng đội, đội tuyển 3 người và đội tuyển 4 người.

Đáng chú ý, các học trò của HLV Trần Thị Vui đều nhận thất bại trước Thái Lan - đối thủ mà cầu mây nữ Việt Nam với thế hệ Lưu Thị Thanh - Hải Thảo - Bích Thùy... từng có chiến thắng hiếm hoi để giành "cú đúp" HCV lịch sử ASIAD 2006.

Nhưng niềm tin đã trở lại với đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam khi 2 tháng sau SEA Games 32, cuối tháng 7/2002, cầu mây nữ Việt Nam đã thắng chủ nhà Thái Lan tại giải vô địch thế giới King's Cup.

"Tại SEA Games 31, ĐT cầu mây nữ có những VĐV trẻ tài năng nhưng do lần đầu dự SEA Games nên đã gặp vấn đề tâm lý, không đạt được thành tích như kỳ vọng.

Chiến thắng trước Thái Lan tại King's Cup 2022 là điểm tựa tinh thần giúp các em vượt qua nỗi ám ảnh thường thua Thái Lan ở những trận chung kết. Tới SEA Games 32, hy vọng các em sẽ tự tin hơn nữa, phát huy được những phẩm chất tốt nhất để mang vinh quang về cho Tổ quốc", HLV trưởng ĐT cầu mây nữ Việt Nam Trần Thị Vui - cựu VĐV thuộc thế hệ đầu tiên của cầu mây Việt Nam từng giành HCV nội dung hoop SEA Games 2003 trao đổi cùng Dân Việt.

SEA Games 32: Cầu mây nữ Việt Nam tìm lại ánh hào quang sau 20 năm - Ảnh 2.

HLV trưởng ĐT cầu mây nữ Việt Nam Trần Thị Vui dõi theo các học trò trong bài tập phát cầu. Ảnh: Viết Niệm

Theo ghi nhận của Dân Việt, lúc này, ĐT cầu mây nữ Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện thêm kỹ thuật phát cầu, chắn cầu và dứt điểm sao cho thật chính xác. Không khí tại phòng tập nằm trong Trung tâm HLTTQG Hà Nội khá "căng". Sự tập trung hiện rõ trên gương mặt mỗi tuyển thủ.

"Ban huấn luyện chúng tôi đang tập trung hoàn thiện thêm kỹ chiến thuật cho các VĐV để có thể thi đấu tốt 2 nội dung đá đôi và 3 người tại SEA Games 32. Phong độ, thể trạng của các em hiện tại tương đối ổn định nhưng vẫn còn một số điểm cần chỉnh sửa.

Phải khẳng định, Thái Lan là đội rất mạnh lại có rất nhiều VĐV giỏi có thể thay thế nhau. ĐT cầu mây Thái Lan có bất kỳ thay đổi hay biến động như thế nào thì họ vẫn là đối thủ lớn nhất của ĐT cầu mây nữ Việt Nam. Chúng ta phải cố gắng với hơn 100% sức lực thì mới có hy vọng bước lên bục cao nhất", HLV Trần Thị Vui bày tỏ.

SEA Games 32: Cầu mây nữ Việt Nam tìm lại ánh hào quang sau 20 năm - Ảnh 3.

HLV Hoàng Thị Thái Xuân cùng học trò tập bài chắn cầu. Ảnh: Viết Niệm

Về nhân sự của ĐT cầu mây nữ Việt Nam, HLV Trần Thị Vui cho hay đã có sự thay đổi nhiều so với SEA Games 31. Nội dung 4 người chỉ còn lại 2 "người cũ". Nội dung đá đôi thì hoàn toàn là những gương mặt mới.

"Đội tuyển 4 người ở SEA Games 31 có Dương Thị Xuyên là trụ cột thì năm nay đã nghỉ. Thay vào đó, cầu mây nữ có VĐV trẻ 19 tuổi Trần Thị Ngọc Yến. VĐV Nguyễn Thị Yến không còn trẻ nhưng năm nay mới là kỳ SEA Games thứ 2 mà em tham dự. VĐV thứ 3 trong đội hình đá 4 là Nguyễn Thị Ngọc Huyền. VĐV còn là là Nguyễn Thị My - sinh năm 1998 nhưng đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, khả năng chuyên môn khá toàn diện.

Đội hình đá đôi sẽ lựa chọn từ 3 VĐV Nguyễn Thị Yến, Ngọc Yến, Ngọc Huyền. Hai VĐV còn lại trong thành phần 6 VĐV nữ cầu mây dự SEA Games 32 là Nguyễn Thị Khánh Ly, Nguyễn Thị Thu Trang.

Thực tế, ngoài nội dung đá 4 với đối thủ chính là Thái Lan, Myanmar, nội dung đá đôi không có sự chênh lệch nhiều về trình độ giữa các nước trong khu vực.

ĐT Lào cũng rất mạnh nội dung đá đôi nữ. Chủ nhà Campuchia cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Thái Lan nên họ cũng là một ẩn số. Vậy nên, ĐT cầu mây nữ Việt Nam cũng phải có sự tính toán kỹ lưỡng về nhân sự cho từng trận đấu tại SEA Games 32", HLV Trần Thị Vui cho biết.

SEA Games 32: Cầu mây nữ Việt Nam tìm lại ánh hào quang sau 20 năm - Ảnh 4.

Các nữ tuyển thủ cầu mây Việt Nam luyện dứt điểm sao cho thật uy lực, chính xác. Ảnh: Viết Niệm

Sau SEA Games 32, mục tiêu tiếp theo trong năm 2023 của cầu mây nữ Việt Nam là ASIAD 19 tại Hàn Châu (Trung Quốc). Mục tiêu của thầy trò HLV Trần Thị Vui cũng là tấm "Vàng mười" Á vận hội:

"Sau SEA Games sẽ có giải vô địch thế giới King's Cup 2023 tại Thái Lan như năm ngoái. Giải là cơ hội để ĐT cầu mây nữ Việt Nam có sự đánh giá lại, từ đó có kế hoạch tập huấn chuẩn bị cho ASIAD.

Tương tự như SEA Games, ĐT cầu mây nữ cũng đặt mục tiêu vào chung kết đá đôi và 4 người ASIAD 19.

Để giành HCV SEA Games đã khó, giành HCV ASIAD khó khăn hơn nhiều. Cùng với Thái Lan, chủ nhà Trung Quốc cũng rất mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng. Đội nào cũng muốn giành HCV ASIAD và cầu mây nữ Việt Nam cũng vậy", HLV Trần Thị Vui thể hiện niềm tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem