Siết cho vay ngoại tệ để giảm tình trạng đô la hóa

26/04/2019 21:56 GMT+7
Theo PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học ngân hàng – Học viện Ngân hàng, việc NHNN dừng cho vay ngoại tệ kể từ tháng 4.2019 theo quy định tại Thông từ 42/2018/TT-NHNN là cần thiết. Việc siết cho vay ngoại tệ sẽ góp phần giảm tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế, góp phần năng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ.

Theo quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi TT24/2015/TT-NHNN về quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, kể từ tháng 4.2019, các doanh nghiệp không được vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sản xuất hàng hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Với nhu cầu dài hạn cũng chỉ được thực hiện đến hết ngày 30.9 năm nay.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học ngân hàng – Học viện Ngân hàng.

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng)

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về động thái siết cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi TT24/2015/TT-NHNN về quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 4 này?

Thông từ 42/2018/TT-NHNN (TT42) sửa đổi TT24/2015/TT-NHNN(TT24) với nhiều thay đổi, trong đó cho vay vay ngoại tệ ngắn hạn để phục vụ sản xuất trong nước (thực hiện hết ngày 31.3), và cho vay trung dài hạn thực hiện hết ngày 30.9.2018.

Theo tôi, động thái này của NHNN nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chủ trương "chuyển hoàn toàn từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ" nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế.

Trong thời gian vừa qua, cho vay ngoại tệ với mức lãi suất tương đối thấp đối với so với các khoản vay nội tệ nhằm đạt được các mục đích như: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn so với vay VND, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ sẽ dẫn đến 2 vấn đề. Một là, tỷ lệ vay ngoại tệ trên tổng dư nợ hay chính là đô la hóa tiền vay vẫn hiện hữu trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, tạo áp lực tới thị trường ngoại hối khi các khoản vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả. Về nguyên lý, NHNN chỉ cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ vay nhưng sự cân xứng các dòng tiền ngoại tệ vào ra tại một số thời điểm nhất định nào đó (cuối năm) cũng có thể khiến cho thị trường căng thẳng.

* Tỷ lệ FCD/M2 năm 2018 vào khoảng 7,21%; tỷ đô la hóa tiền vay Kể từ năm 2016 đến nay, mặc dù số tuyệt đối tiền gửi ngoại tệ có tăng nhưng mức tăng rất ít - giúp tỷ lệ FCD/M2 từ mức 9,09% (tháng 7/2016) xuống chỉ còn 7,21% vào thời điểm cuối năm 2018. * Dư nợ ngoại tệ trên tổng dư nợ nền kinh tế hiện chỉ còn khoảng 8,5%

Thông tư 24 và các lần sửa đổi năm 2016, 2017 vẫn khiến cho tình trạng đô la hóa tiền vay vẫn tiếp diễn. Chính vì vậy, thông tư 42 có hiệu lực sẽ góp phần ngăn chặn sự mở rộng đối với hoạt động cho vay ngoai tệ của các NHTM khi đối tượng vay ngoại tệ chỉ là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và chỉ được phép vay ngắn hạn. Nói cách khác, đối tượng được vay ngoại tệ và thời hạn của khoản vay ngoại tệ đã bị thu hẹp đáng kể.

Đây được coi là một trong những giải pháp trong Đề án chống đô la hóa nền kinh tế mà NHNN đang thực hiện.

Ngoài ra việc ban hành TT42 thể hiện một chính sách dài hơi của NHNN. Thực tế, TT24/2015 phải liên tục gia hạn và thay đổi 1 năm một lần tạo cảm giác một chính sách ngắn hạn cho dù Thông tư này được đánh giá đã phát huy được hiệu lực đối với nền kinh tế.

Nay với TT 42, NHNN sẽ không cần phải thay đổi liên tục hàng năm bởi lẽ chính sách này vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) có nguồn thu ngoại tệ được vay ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại (NHTM) để sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu không giới hạn thời gian.

Có ý kiến cho rằng, việc chống đô la hóa bằng việc siết cho vay ngoại tệ chuyển từ vay mượn sang mua bán thì đương nhiên gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Bà có đồng tình với quan điểm này không?

Tôi không đồng tình với quan điểm này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần hiểu đúng về chính sách mà NHNN đã ban hành.

Quan điểm của tôi, những quy định trong TT42 so với các phiên bản trước đây có ý nghĩa tích cực đối các doanh nghiệp kể cả nhập khẩu và xuất khẩu.

Thưa nhất, TT42 chỉ hạn chế hoạt động vay ngoại tệ ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước và hoạt động cho vay ngoại tệ dài hạn nói chung. Các hoạt động vay ngắn hạn ngoại tệ để sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu vấn triển khai bình thường và không bị giới hạn thời gian hiệu lực.

Doanh nghiệp thích vay USD vì lãi suất thấp

Trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và tỷ giá được NHNN phát ra 1 thông điệp khá ổn định, rõ ràng được dùng nguồn vốn vay bằng ngoại tệ DN sẽ giảm chi phí sử dụng vốn, qua đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh của DN.

Nói cách khác, NHNN và Chính phủ vẫn tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Riêng đối với DN nhập khẩu để sản xuất trong nước, việc không được vay ngoại tệ với lãi suất thấp có thể sẽ khiến cho chi phí của DN tăng lên đôi chút nhưng trong bối cảnh đó, tôi cho rằng DN phải hoạt động 1 cách có hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn để từ đó giảm bớt các chi phí khác. Đó cũng được coi là sự chuyển biến tích cực.

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian để TT42 có hiệu lực kể từ khi ban hành tới nay là 3 tháng, tôi cho là đủ để có các DN trước đây được vay USD cho sản xuất trong nước điều chỉnh chiến lược, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Tôi nhấn mạnh rằng, việc NHNN giới hạn lại hay thu hẹp lại nhu cầu cũng như đối tượng cho vay trong TT42 sẽ góp phần giảm tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế. Tức là giảm tỷ lệ dư nợ cho vay bằng ngoại tệ/tổng dư nợ cho vay.

Ngoài mục tiêu giảm tình trạng USD của nền kinh tế Việt Nam, động thái này còn góp phần năng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ. Thêm 1 điểm nữa, đó là góp phần ổn định hơn thị trường tài chính Việt Nam.

Đây sẽ là cơ sở cho sự phát triển lâu dài và bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

Vậy còn đối với phía cho vay là các NHTM, khi giảm khách hàng vay, theo bà lợi ích của NHTM có giảm?

Tôi không nghĩ như vậy. Đối với các TCTD cũng có lợi chứ không hề bất lợi khi hiện thực hóa chủ trương này. Cái lợi của các NHTM đó là giảm thiểu được nguy cơ rủi ro tỷ giá đối với các NHTM.

 

Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chống đô la hóa nền kinh tế song vẫn tạo điều kiện cho xuất khẩu

Khi tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ còn 0%, nghĩa là NHTM huy động ngoại tệ tương đối khó khăn hơn so với trước đây và chủ trương này khó có thể thay đổi. Nếu như NHTM vẫn cứ mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ thì rõ ràng dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa tài sản có và tài sản nợ của ngân hàng. Trong trường hơpk tỷ giá thay đổi hay biến động mạnh, các NHTM chắc chắn gặp rủi ro nếu như các NHTM không biết áp dụng những chiến lược phòng ngừa rủi ro cho hiệu quả.

Tất nhiên, chính sách luôn tồn tại 2 mặt, khi thực hiện chủ trương này thì sẽ có những đối tượng có lợi hơn 1 chút nhưng cũng sẽ có đối tượng sẽ phải nỗ lực hơn 1 chút để đáp ứng chủ trương này.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục