Siêu dự án sẽ khiến sông Hồng “đói” phù sa?

Thanh Xuân (ghi) Thứ sáu, ngày 06/05/2016 15:15 PM (GMT+7)
Nếu “siêu” dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng khi xây dựng và vận hành mà giữ lại bùn, cát ở đoạn qua Việt Trì thì rất nguy hiểm vì sẽ gây ra hiện tượng “đói” phù sa của lưu vực sông, làm cho đất đai ngày càng xấu đi.
Bình luận 0

img

Đó là một khả năng có thể xảy ra mà GS.TS. Trương Đình Dụ - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Viện Nam đề cập, trong trường hợp dự án này được Chính phủ cho phép thực hiện.

GS.TS. Trương Đình Dụ nêu ra là, công trình này, nếu được phép được thực hiện, có giữ lại bùn, cát hay không? Hiện tại, trên lưu vực sông Hồng có các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… đã giữ lại bùn cát làm cho sông Hồng đang rất khan hiếm phù sa, nhiều chỗ nhìn xuống được tận đáy. Nếu “siêu” dự án này khi xây dựng và vận hành mà tiếp tục giữ lại bùn, cát ở Việt Trì thì rất nguy hiểm. Cát bị giữ lại hết sẽ gây ra hiện tượng “đói” phù sa của lưu vực sông Hồng làm cho đất đai ngày càng xấu đi và đáy sông sâu hơn, ảnh hưởng tới lấy nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. “Điều quan trọng là vấn đề vận hành của công trình của dự án này như thế nào để không ảnh hưởng tới bùn, cát, nếu không nhiều người sẽ phản đối ngay” - ông Dụ nhấn mạnh.

GS.TS Trương Đình Dụ cho biết, hiện tại ông vẫn đang tham gia cùng các nhà khoa học nghiên cứu Đề tài cấp Nhà nước về Dự án nghiên cứu đánh giá tổng thể điều tiết nước của lưu vực sông Hồng, phục vụ nông nghiệp. Đề tài nghiên cứu này khi hoàn thiện sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ quyết định có ngăn sông Hồng hay không, tức là việc tác động vào con sông “cái” này rất phức tạp và có nhiều người lo lắng nên cần phải có nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, mới đây dư luận lại hết sức bất ngờ khi các cơ quan chức năng công bố sẽ có một “siêu” Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng với số vốn lên tới hàng tỉ USD  do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup, trước đây là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

imgLiên quan tới “siêu” dự án này, GS.TS. Trương Đình Dụ (ảnh bên)-một trong những nhà khoa học rất am hiểu về sông Hồng - khẳng định: “Tôi không phải đối việc đầu tư dự án nhưng trước khi đầu tư cần có những đánh giá hết sức tỉ mỉ công trình này ảnh hưởng tới thượng lưu và hạ du như thế nào”. Cũng theo ông Dụ, có 3 vấn đề cần phải làm rõ đối với “siêu” dự án này bao gồm:

Thứ nhất, nhà đầu tư phải đảm bảo khi xây dựng công trình tuyệt đối không ảnh hưởng tới thoát lũ bởi sông Hồng ngoài cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cho sinh hoạt và cho sản xuất công nghiệp…còn có vai trò quan trọng nữa chính là thoát lũ về mùa mưa. Muốn thực hiện được điều đó, công trình khi xây dựng cần đảm bảo về mùa mưa phải trả lại tiết diện dòng sông 100%.

Thứ 2, khi dâng nước để phát điện thì không được làm ngập đất đai ở khu vực thượng lưu và hạ lưu, gây ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thứ 3, Phải đảm bảo nước ở thượng nguồn về hạ lưu ngang bằng với mực nước khi chưa có công trình để không bị ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của người dân xung quanh lưu vực sông Hồng.

Theo GS.TS. Trương Đình Dụ,  Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng cần đánh giá tổng thể về lợi hại như thế nào và chỉ nên tập trung vào giao thông đường thủy còn thủy điện sẽ không hợp lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại muốn kết hợp bán điện để thu được thêm nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, về mặt kinh tế cũng phải tính toán cho được giao thông thủy so với giao thông đường sắt, đường bộ có hiệu quả như thế nào…

“Tóm lại là dự án này cần phải đánh giá hết sức tỉ mỉ về môi trường sinh thái của thượng du và hạ du và vấn đề vận hành như thế nào để không ảnh hưởng tới bùn, cát” -  ông Dụ nhấn mạnh.

 Thủy lộ sông Hồng "hiệu quả hay không, chưa thể phát biểu được"

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 6.5, ông Đỗ Đức Quân –  Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Đối với dự án giao thông trên sông Hồng, hiện chưa có bất kỳ dự án nào trên sông Hồng nằm trong quy hoạch do Bộ Công Thương phê duyệt. “Đây không phải là dự án thủy điện mà  là dự án giao thông thủy xuyên Á, người ta làm đập để dâng nước cho thuyền đi từ Việt Trì lên Lào Cai. Khi làm đập thì có thể kết hợp phát điện”, ông Quân cho biết. Cũng theo ông Quân, dự án 24.000 tỷ đồng mà chỉ có 200 MW điện thì chẳng ai làm, việc cần thiết hay không cần thiết thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện mới ở giai đoạn nghiên cứu nên các bộ, ngành cần phải làm rõ hơn có hiệu quả hay không. 

"Quan điểm của chúng tôi là, khi thực hiện dự án có đập, có phát được điện thì chúng ta có thể xem xét được. Tuy nhiên, với tổng 6-7 bậc mà chỉ có 200 mW điện thì chỉ là thủy điện nhỏ. Nếu có hiệu quả, giá bán điện hợp lý thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ.

Hiện mới chỉ là đề xuất sơ bộ, chưa có trong quy hoạch, chưa có hồ sơ chính thức nên hiệu quả hay không cũng chưa thể phát biểu được. Chúng tôi chỉ nhắc nhở về môi trường, vấn đề xã hội, di dân tái định cư có hay không, chủ đầu tư phải nghiên cứu. Tôi nhắc lại đây là dự án giao thông thủy, không phải dự án thủy điện” -  ông Quân nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem