Dòng tiền bắt đáy nhanh trở lại, VN-Index kỳ vọng tiếp tục tăng
Mặc dù VN-Index có nhịp điều chỉnh khá sâu trong những phiên gần đây nhưng trạng thái bán tháo đã không xuất hiện. Dòng tiền bắt đáy nhanh chóng trở lại cho thấy triển vọng tiếp tục đi lên của thị trường.
VN-Index đã trải qua một tuần đầy biến động khi chỉ số bật tăng đầy mạnh mẽ tạo khoảng trống giá ngay phiên đầu tuần. Tuy nhiên, việc liên tục tăng điểm trong thời gian qua đã kéo theo áp lực chốt lời gia tăng tương ứng và thị trường đã nhanh chóng chứng kiến nhịp rung lắc xuất hiện quanh mức 1.245 điểm ngay ngày sau đó. Áp lực bán tiếp tục gia tăng ở những ngày tiếp theo khiến chỉ số chung ghi nhận những phiên giảm điểm trước khi bật tăng trở lại tại vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm ở ngày cuối tuần.
Như vậy, mặc dù có hai phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng với phiên bứt phá đầu tuần và phiên phục hồi cuối tuần, VN-Index đã có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp với mức tăng cả tuần là 0,51%, duy trì xu hướng tăng điểm trung dài hạn. HNX-Index cũng tăng 1,17%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 23.789 tỷ đồng, giảm 2,52% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư tổ chức bán ròng trở lại với giá trị tăng cao hơn 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, khối ngoại có 2 tuần bán ra liên tiếp nhưng giá trị ròng tuần này đã tăng lên hơn 500 tỷ đồng. Ngược lại, cá nhân duy trì đà mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng.
Ở tuần qua, khối ngoại vẫn tập trung bán ròng mạnh nhất ở SSI (276 tỷ đồng), VHM (160 tỷ đồng), VRE (148 tỷ đồng)… Ngược lại mua ròng mạnh nhất ở HPG với giá trị 269 tỷ đồng, kế đến là VIC (264 tỷ đồng), VNM (215 tỷ đồng)…
Cổ phiếu VIC đóng vai trò quan trọng trong phiên cuối tuần khi duy trì đà tăng hết biên độ trong suốt cả phiên với khối lượng khớp lệnh kỷ lục trên 23 triệu cổ phiếu (trên 1.676 tỷ đồng) sau tin VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8. Tính chung cả tuần VIC tăng 16,72%.
Các cổ phiếu bất động sản cũng đóng góp lớn vào mức tăng của VN-Index như VRE (+7,14%), NVL (+5,56%), DXG (+4,38%), HTN (+4,15%)…
Cổ phiếu chứng khoán đa phần giảm điểm do chịu ảnh hưởng từ 2 phiên điều chỉnh tuy nhiên vẫn có một số mã tăng điểm như SHS (+3,23%), APS (+5,33%), MBS (+1,67%), SBS (+6,54%).
Cổ phiếu ngân hàng có diến biến phân hoá, tăng mạnh nhất là STB (+10,02%), ngoài ra là các cổ phiếu khác như LPB (+7,83%), CTG (+3,55%), SSB (+4,83%), VCB (+0,33%) trong khi nhóm giảm điểm gồm BID (-3,51%), ACB (-6,15%), SHB (-2,63%)… Các nhóm ngành khác kết thúc tuần hầu hết đều diễn biến phân hóa và kém tích cực hơn tuần trước đó.
Thành công kiểm định lại lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm
Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tuần thứ 6 liên tiếp thị trường tăng điểm, tuy nhiên vận động tuần này cho thấy VN-Index đang hình thành vùng điều chỉnh và tích lũy lại. Sau khi sóng tăng được xác nhận, chỉ số vẫn cần hình thành các nền tảng tích lũy mang tính chất củng cố ngắn hạn để tiếp tục tích lũy động lực tăng. Ngưỡng cản thực sự rõ ràng tiếp theo là 1.300 điểm.
SHS cho rằng, kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng không xấu đi. Thị trường chứng khoán thường có phản ứng sớm hơn thực tế, cho thấy tâm lý lạc quan về việc khó khăn của vĩ mô đang dần qua đi.
Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), trong khung đồ thị tuần, VN-Index xuất hiện mẫu hình nến doji phản ánh áp lực chốt lời đã tăng mạnh sau chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao cho thấy thị trường vẫn đang thu hút được dòng tiền.
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index đã thành công kiểm định lại lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm và hình ảnh bóng nến dưới dài (long lower shadow) xuất hiện tại đây phản việc dòng tiền bắt đáy đã nhanh chóng trở lại ngay khi thị trường chung có mức điều chỉnh đáng kể.
Hiện tại, với đà tăng từ phiên cuối tuần, VN-Index được kỳ vọng sẽ nối dài đà hưng phấn trong tuần sau, qua đó giúp thị trường tiếp tục tăng điểm để hướng đến mục tiêu tiếp theo là vùng đỉnh 52 tuần (quanh mức 1.300 điểm). Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực chốt lời vẫn ở mức cao và thị trường cần hơn thời gian để hấp thụ lực bán thì vùng 1.200-1.210 điểm vẫn sẽ đóng vai trò chốt chặn quan trọng cho triển vọng đi lên.
Chứng khoán Rồng Việt (VSDC) nhận định, mặc dù nhịp điều chỉnh của thị trường diễn ra khá sâu trong những phiên gần đây nhưng trạng thái bán tháo đã không xuất hiện. Nhờ đó, chỉ số đã có diễn biến hồi phục nhanh vào cuối phiên thứ Sáu, với mức tăng 18,84 điểm so với mức thấp nhất trong phiên. Điều này cho thấy dòng tiền đang có động thái quay lại hỗ trợ thị trường.
Với tín hiệu hiện tại, VDSC cho rằng có khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi lùi bước và có cơ hội dần hồi phục đến vùng 1.240 – 1.245 điểm. Tạm thời diễn biến hồi phục này sẽ mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung tại vùng cản. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian tới.
“Tạm thời có thể nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ dòng tiền. Tuy nhiên cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có diễn biến suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục”, VDSC khuyến nghị.