“Soi” nguyên nhân đường sắt Cát Linh – Hà Đông lụt tiến độ

Vinh Hải Thứ tư, ngày 10/05/2017 11:10 AM (GMT+7)
Hàng loạt những tồn tại, bất cập từ khi triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khiến tuyến đường sắt này liên tục phải “khất” tiến độ hoàn thành.
Bình luận 0

img

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể sẽ tiếp tục phải lùi tiến độ hoàn thành (ảnh V.H)

Báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vào đầu năm nay, Bộ GTVT cho biết dự kiến sẽ chạy thử nghiệm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trước tháng 10.2017.

Theo Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT), khối lượng xây lắp hoàn thành 90%. Trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành, cụ thể hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ); hoàn thành 100% công tác đúc và lao lắp dầm cầu khu gian (400 nhịp dầm giản đơn và 31 nhịp dầm liên tục); hoàn thành cơ bản kết cấu chính của 12/12 nhà ga; 4/12 nhà ga đã cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện; ...

Thế nhưng, 10% còn lại của dự án chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Trả lời báo chí, đại diện Ban QLDA Đường sắt cũng không chắc chắn về khả năng chạy thử tuyến vào ngày 1.10 như đã cam kết trước đó. Đâu là nguyên nhân khiến dự án này liên tục bị lụt tiến độ?

Được biết, Dự án đường sắt đô thị  Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được nghiên cứu báo cáo kỹ thuật từ đầu năm 2004, nên các đơn vị Chủ đầu tư trước đây (Cục ĐSVN) và Tư vấn lập dự án (TEDI) chưa có nhiều kinh nghiệm.

Theo đánh giá của đại diện chủ đầu tư, Dự án đã trải qua thời gian khá dài (được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004 và quyết định đầu tư vào tháng 10.2008). Khoảng thời gian từ đó đến nay có nhiều biến động lớn về giá đầu vào cho các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.

Đồng thời, vì chưa có kinh nghiệm nên cả chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, chủ yếu dựa trên các đơn giá tổng hợp do phía Trung Quốc cung cấp.

Bên cạnh đó, hợp đồng EPC ký giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc vào tháng 5.2009 có nội dung chính: Giá hợp đồng là tạm tính và chỉ được sử dụng cho việc tạm ứng hợp đồng; Việc thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành dựa trên khối lượng trong thiết kế kỹ thuật và đơn giá trong dự toán được cấp thẩm quyền (Chủ đầu tư - Cục ĐSVN) phê duyệt nhưng không được vượt giá hợp đồng tạm tính.

Tuy nhiên, trong hồ sơ đề xuất thì giá hợp đồng tạm tính này được Tổng thầu sao chép từ thiết kế kỹ thuật được duyệt, tức là được xác định trên cơ sở các đơn giá tổng hợp cho 1 m2 cầu, 1 m2 nhà ga, 1 km ray, trọn bộ đầu máy toa xe, thiết bị ...  mà không có các tính toán chi tiết khối lượng, không có đơn giá chi tiết cho từng hạng mục công trình để làm cơ sở quản lý khối lượng thi công chi tiết cũng như cho việc tính toán điều chỉnh giá khi cần thiết. Trong hợp đồng cũng không có quy định về cách lập dự toán, hoặc cách tính trượt giá làm cơ sở để các bên lập dự toán và xác định giá hợp đồng chính thức.

Dự án bắt đầu triển khai thi công tháng 4.2010 (thi công 9 trụ nằm trong hồ Đống Đa) và chính thức khởi công vào ngày 10.10.2011 nhưng đến tháng 5.2014 TP Hà Nội mới cơ bản bàn giao xong mặt bằng hạng mục tuyến chính, cuối năm 2016 mới bàn giao xong toàn bộ mặt bằng cho dự án.

Còn hiện nay, vướng mắc lớn nhất là về khoản vay bổ sung 250 triệu USD cho dự án. Dự án đã được điều chỉnh tổng vốn từ 552,86 triệu USD lên 868,04 triệu USD nhưng thủ tục giải ngân khoản vay bổ sung vẫn chưa hoàn thành.

Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt hiện Tổng thầu đang nợ các nhà thầu phụ khoảng 600 tỷ đồng, gây khó khăn về mặt tài chính cho các nhà thầu phụ thực hiện dự án.

Các đơn vị, cá nhân đã được giao quản lý dự án:

Dự án bắt đầu được nghiên cứu khả thi từ năm 2004, Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án 18 quản lý (Tổng giám đốc PMU18 là Bùi Tiến Dũng), Thứ trưởng phụ trách trực tiếp là ông Ngô Thịnh Đức, Cục trưởng Cục QLXD ông Nguyễn Ngọc Long.

Năm 2007, Bộ GTVT giao Cục ĐSVN làm chủ đầu tư (Cục trưởng Cục ĐSVN khi đó là ông Vũ Xuân Hồng). Ông Lê Mạnh Hùng là Thứ trưởng phụ trách. Tháng 5.2008 Cục ĐSVN thành lập Ban QLDA đường sắt và giao ông Vũ Quang Khôi làm giám đốc Ban QLDA đường sắt (hiện ông Khôi là Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam).

Từ năm 2011 dự án do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phụ trách, ông Nguyễn Hữu Thắng – Cục trưởng Cục ĐSVN; ông Trần Văn Lục – Giám đốc Ban QLDA đường sắt.

Từ năm 2012 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phục trách.

Từ Tháng 8.2014 Ban QLDA đường sắt chuyển về Bộ GTVT do ông Nguyễn Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc.

Tháng 1.2015, Bộ GTVT có quyết định bổ nhiệm ông Lê Kim Thành làm Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt thay cho ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Hồng Trường là Thứ trưởng phụ trách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem