Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ

Văn Ngọc Thứ sáu, ngày 14/04/2023 10:02 AM (GMT+7)
Những lớp học xóa mù chữ tại huyện vùng cao biên giới Sông Mã ( Sơn La) giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được thông tin, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới Sơn La.
Bình luận 0

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ

Bám bản giúp bà còn vùng biên xoá mù chữ

Vượt hơn 50 km đường đèo dốc, từ trung tâm thành phố Sơn La chúng tôi đến huyện vùng cao biên giới Sông Mã. Cuộc sống của bà con ở những vùng biên giới nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, canh tác nông nghiệp một số nơi con lạc hậu, việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dẫn đến thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nguyên nhân dẫn đến cái đói, cái nghèo như vậy một phần là do sự ỷ lại của người dân, phần nữa  do tỷ lệ  không  biết chữ còn cao gây  khó khăn trong giao tiếp giao thương.

"Xóa mù chữ" cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước. Việc mở lớp xóa mù chữ tại huyện vùng biên Sông Mã của tỉnh Sơn La cũng vậy, lớp học đã giúp cho bà con đồng bào chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất. Giúp họ thuận lợi hơn trong trong giao tiếp, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 2.

Lớp xóa mù chữ tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Như đã thành thói quen, cứ đều đặn 5 buổi/tuần, hai mẹ con chị Sồng Thị Chư, bản Bon Phăm, xã Nà Nghịu lại sửa soạn để lên đường đi học cái chữ, vài ba quyển sách cùng cây bút được sắp xếp gọn gàng trong cặp đã trở thành hành trang không thể thiếu của mẹ con chị. Cuộc sống nương rẫy quanh năm từ khi còn là đứa trẻ, ngoài 30 tuổi, chị Chư vẫn không biết đọc, biết viết. Việc tính toán đối với chị chỉ là tính nhẩm những phép tính đơn giản như mua mớ rau, cái áo, cái quần,... Nhưng sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, nhất định cuộc sống của chị sẽ bước sang "một trang mới".

Chị Sồng Thị Chư, bản Bon Phăm, xã Nà Nghịu, huyện Sông mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: Năm nay mình đi học, mình đi bán gà, bán ngô, bán sắn mình sẽ biết tính toán cho mình, sẽ tiện hơn cho mình, mình sẽ vui hơn năm kia rồi. Mình không biết chữ, mình sẽ đi học để bốn mẹ con mình đều biết chữ như nhau.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 3.

Hai mẹ con chị Sồng Thị Chư, bản Bon Phăm, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, sơn la sửa soạn để lên đường đi học. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng giống như chị Chư, việc cầm bút viết chữ đối với chị Lò Thị Thoa khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm nương hay thêu thùa, dệt vải. Tuy nhiên, việc chị tham gia lớp xóa mù chữ này được gia đình hết sức ủng hộ, bởi nếu biết đọc, biết viết, chị sẽ hoàn toàn có thể dạy được con cháu học tập và tự tin khi tham gia các hoạt động xã hội.

Chị Lò Thị Thao, bản Phòng Sài, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: Không biết chữ đi đâu cũng phải nhờ mọi người viết cho. Bây giờ mình biết chữ như thế này rồi thì đi đâu không phải nhờ ai. Còn bây giờ mới học được 02 tuần thôi mà tiến bộ, biết viết tên mình, tên con rồi ạ.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 4.

Hàng ngày tất bật với công việc đồng áng, nhưng các chị em phụ nữ vùng biên giới vẫn cố gắng không bỏ buổi học nào với mong muốn biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ảnh: Văn Ngọc

Những lớp học xóa mù chữ được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… tổ chức thường xuyên, liên tục.Trong năm 2022, toàn huyện đã mở được 4 lớp với trung bình 60-80 học viên/lớp. Để thuận lợi cho việc dạy và học, giáo viên tham gia lớp dạy xóa mù chữ phải là người biết tiếng dân tộc như tiếng Thái, tiếng Mông, đồng thời, phải có những phương pháp hướng dẫn, trao đổi truyền đạt thật gần gũi, sinh động để các học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Cô giáo Lò Thị Phước, Giáo viên Trường Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: Học viên đến học đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn nên bút, sách, vở không có nên nhiều khi chúng tôi phải mang bút, sách vở đi theo để hỗ trợ học viên. Trình độ học viên thì gần như là không biết một cái gì cả, chưa biết mặt chữ, cũng chưa biết viết luôn, như trẻ con lớp 1 vậy.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 5.

Cô giáo Lò Thị Phước, Giáo viên Trường Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chuyền đạt những kiến thức cho học sinh. Ảnh: Văn Ngọc

Xóa mũ chữ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Sông Mã, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ, tái mù chữ ở trên địa bàn và tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả. 

“Việc biết chữ sẽ giúp nông dân có thêm kiến thức, giúp đồng bào dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các thông tin xã hội và các dịch vụ cơ bản khác, vì vậy, xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của chương trình giảm nghèo bền vững nói chung” Thầy Viên nói.

Theo thống kế, tính đến năm 2020, huyện còn 10.773/33.634 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 32,03% tổng số hộ). Trong đó có 1.248 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, có nhà dột nát (số gia đình có chủ hộ từ 30 tuổi trở lên là 1.141 hộ). Thế nhưng đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sông Mã, Sơn La giảm được 10,64%, số hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 7.448 hộ, tương đương 21,39%. Những năm tiếp theo, huyện Sông Mã phấn đấu giảm từ 4%-5%.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 6.

Lớp xóa mù sẽ chị em phụ nữ thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày. Ảnh: Văn Ngọc

Trong thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, ban ngành đoàn thể, các xã thị trấn tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ.

Qua đó, giúp cho đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết, biết tính toán, tiến tới biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để không chỉ nâng cao dân trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng cao, vùng sâu trên địa bàn.

Sơn La: Giảm nghèo từ xoá mù chữ - Ảnh 7.

"Xóa mù chữ" cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là một đề án có ý nghĩa thiết thực đối với bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa trong Chương trình việc giảm nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

"Công tác xóa mù chữ là một việc làm khó, vì đối tượng người học đều trong độ tuổi lao động, Phòng sẽ phối hợp với Hội PN, Hội Nông dân, các đoàn thể chính trị, xã hội bố trí giờ học linh hoạt, đặc biệt buổi tối vào những giờ người học ít phải tham gia lao động sản xuất", ông Viên nói.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện Sông Mã sẽ mở thêm 18 lớp xóa mù chữ cho bà con dân tộc. Với nỗ lực "gieo chữ" của các ngành chức năng cùng sự quyết tâm của những "học sinh đặc biệt", những ánh sáng từ những lớp học xóa mù chữ như thế này chắc chắn sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, từ đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới Sơn La.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem